(HNMO) - Không phải chỉ những người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì mới biết yêu, biết nhớ, biết thương về mảnh đất này. Tủ sách “Hà Nội phố và người” tập hợp những tác giả đến từ nhiều nơi khác nhau, có người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có người đã rời xa Hà Nội đã khá lâu, cũng có người mới rời quê lên lặn lội chốn Hà thành…, nhưng tất cả đều dành một tình yêu chân thành, mãnh liệt mà thiết tha cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Thăng Long - Hà Nội từ lâu đã lưu lại trong trái tim của người dân Việt Nam hình ảnh của vùng đất kinh kỳ, Thủ đô ngàn năm văn hiến. Người ta yêu Hà Nội có thể từ câu thơ, câu hát, yêu Hà Nội qua từng kỷ niệm đẹp được lưu truyền từ người này qua người khác, để mỗi khi nhớ về Hà Nội là hình ảnh về vùng đất vừa đẹp, vừa thanh bình, quá đỗi bình dị mà nên thơ lại lấp lánh trong trí nhớ. Đó cũng là lý do để nhiều cuốn sách viết về Hà Nội đã được xuất bản và được công chúng đón nhận, yêu thích, trong đó có các tác phẩm thuộc tủ sách “Hà Nội phố và người”.
Tại tọa đàm và giao lưu “Dấu ấn Hà Nội - Phố và Người” do Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Tri Thức Trẻ books) tổ chức ngày 25-12 ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, ông Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Tri Thức Trẻ books cho biết: “Để kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung, Tri Thức Trẻ books đã quyết định thực hiện xuất bản tủ sách “Hà Nội phố và người”. Tủ sách hiện đã xuất bản được nhiều đầu sách với những chủ đề khác nhau nhằm cung cấp những thông tin tư liệu giá trị, đan xen là những câu chuyện xưa, chuyện nay giàu cảm xúc, đa giọng điệu với mong muốn đem đến những góc nhìn đa dạng để chúng ta thêm yêu quý mảnh đất này”.
Cho đến nay, các tác phẩm được xuất bản của tủ sách khá đa dạng. Có thể kể đến du khảo “Hà Nội chuyện xưa phố cũ” của Tạ Thu Phong, chuyên khảo “Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội” của Nguyễn Doãn Minh, khảo cứu “Hà Nội một thuở phố và người” của Nguyễn Việt Cường, sách tư liệu “Quán thánh” của Nguyễn Đức Dũng, tản văn “Những đứa con của cây cầu Long Biên” của Đông Di, “Tản mạn bóng đá Hà thành” của Hồ Công Thiết, “Hà thành hương xưa vị cũ” của Vũ Thị Tuyết Nhung, và đặc biệt là bộ sách “Chuyện người Hà Nội” (3 tập) của nhiều tác giả.
Theo tác giả Ngô Thế Long, với yêu cầu đầu tiên của thể loại phi hư cấu là “sự thật”, các bài viết trong tủ sách “Hà Nội phố và người” nói chung và bộ sách “Chuyện người Hà Nội” nói riêng sẽ tạo ra một mảng lịch sử Hà Nội, góp phần cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu sau này hiểu biết hơn về Hà Nội.
Mỗi người yêu Hà Nội một cách khác nhau, cảm nghĩ về Hà Nội và viết về Hà Nội cũng khác nhau, điều đó làm nên sự phong phú và hấp dẫn cho sách về đề tài Hà Nội. Hà Nội không dành riêng cho ai, mà dành cho mọi người, mọi lứa tuổi. Bởi thế, theo tác giả Nguyễn Hữu Mão, chúng ta có quyền hy vọng “Chuyện người Hà Nội” những tập tiếp theo sẽ được xuất bản.
Đại diện Tri Thức Trẻ books cũng bày tỏ: “Trong thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được những bản thảo mới, đặc biệt là các tác giả trẻ, đóng góp cho tủ sách giá trị này. Hy vọng tủ sách sẽ là nơi lưu giữ, điểm tô cho những kỷ niệm của tất cả những con người đã sống và luôn hướng về Hà Nội. Từ đó, Tri Thức Trẻ books mong muốn lan tỏa tình yêu Hà Nội đến với thế hệ trẻ; để những câu chuyện về Hà thành luôn sống mãi trong trái tim của những người đem lòng yêu mến mảnh đất này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.