Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những câu chuyện làm cuộc đời phong phú hơn

Vân Hạ| 09/03/2023 17:50

(HNMO) - Ngày 9-3, tại Hà Nội, tập văn xuôi đầu tiên, không kể những cuốn sách về ngành y, của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã ra mắt độc giả. Mang tên “Thư gởi con trai”, nhưng 80 lá thư trong tập sách là 80 thông điệp nhân văn mà ai cũng nên đọc, dẫu là nam hay nữ, trẻ con hay người trưởng thành.

“Vì cuộc đời là một dòng chảy, một hành trình. Cuộc đời là một căn phòng, một căn nhà. Là nỗi lo âu hay hạnh phúc”, nên theo nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có “biết bao nhiêu điều để kể lại”. Kể chuyện làm cho sự quan sát trở nên tinh tế hơn, trí nhớ sâu sắc hơn, làm cho cuộc đời trở nên phong phú hơn, nhiều ý tưởng và cảm xúc được ghi lại.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã bắt đầu tập sách “Thư gởi con trai” của mình bằng những câu chuyện tưởng như không đầu không cuối, nhưng đằng sau đó lại ẩn chứa nhiều thông điệp nhân văn, nhiều bài học về sự tử tế, lòng vị tha, đức khiêm tốn, tình yêu thương và chia sẻ.

80 lá thư của tác giả là 80 câu chuyện ngắn thủ thỉ cùng con về mọi thứ nho nhỏ, giản đơn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng mỗi sự việc xảy ra đều khiến nhà thơ dừng lại với những khoảng lắng suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người đàn ông từng trải, của một người cha luôn muốn con mình “nghĩ khác đi”, “cảm xúc khác đi”, “không dẫm chân lên con đường cũ”, “chân thật hơn, hạnh phúc hơn” và quan trọng là phải hiểu rằng “không có gì trên đời là vĩnh viễn”, để con biết trân trọng, yêu thương những gì con có trong tầm tay.

Trân trọng và yêu thương những gì có trong tầm tay còn là lời nhắn gửi của tác giả đến những người “có được may mắn làm bổn phận của cha mẹ”: “Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cảm ơn của chúng dành cho mình, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái tivi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa”. Những kỷ niệm ấy, yêu thương ấy là tia mặt trời ấm áp chiếu rọi cuối một ngày cho mỗi người.

Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng đánh giá, “Thư gởi con trai” là cuốn sách ấn tượng, từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống cho đến những khái niệm trừu tượng và những gì lớn lao hơn như về sự khai phóng, về cội nguồn, về thiên nhiên, trái đất. Không chỉ là cuốn sách về nuôi dạy con đơn thuần, “Thư gởi con trai” còn đầy chất văn, chậm rãi và sâu lắng, như là một tập thơ dài, một tập thơ văn xuôi của thi sĩ Nguyễn Đức Tùng.

Được viết bởi một người Việt xa xứ đã lâu, một người Việt có tâm hồn một thi sĩ và cái nhìn chiêm nghiệm của bác sĩ, mỗi dòng, mỗi chữ viết về ngôn ngữ mẹ đẻ, về ký ức tuổi thơ, về hai tiếng “Việt Nam” trong “Thư gởi con trai” đều thấm đẫm yêu thương. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành.

Tác giả Nguyễn Đức Tùng sinh ra tại Quảng Trị, lớn lên đi học tại Quảng Trị và Huế, hiện là bác sĩ ở Canada. Ngoài các công trình chuyên ngành, ông còn làm thơ, dịch thuật, viết truyện, viết phê bình. Một số tác phẩm văn chương của ông đã được xuất bản như “Thơ đến từ đâu” (NXB Lao động, 2009), “Đối thoại văn chương” (NXB Tri thức 2012); “Thơ cần thiết cho ai” (NXB Hội Nhà văn, 2015), “Cuộc đời yêu dấu” (Alice Munro, dịch, NXB Trẻ, 2017)…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những câu chuyện làm cuộc đời phong phú hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.