(HNM) - Song hành với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp đã có nhiều đóng góp cho phát triển chính trị, kinh tế, xã hội Hà Nội.
Nếu như trong những năm tháng kháng chiến, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực để đạt mức năng suất kỷ lục 5,16 tấn thóc/ha (vượt qua ngưỡng 5 tấn/ha sau tỉnh Thái Bình) thì hiện nay, Hà Nội đang đi đầu cả nước về dồn điền, đổi thửa, đưa khoa học, kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất.
Nông nghiệp Hà Nội hiện có nhiều vùng sản xuất quy mô lớn, cho giá trị thu nhập cao. Ảnh: Nguyệt Anh |
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện chủ trương của Đảng và thành phố, trên cơ sở tiếp quản Sở Nông lâm Bắc Việt của chính quyền cũ, năm 1955, Sở Nông lâm Hà Nội đã được thành lập để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo sát sao với phương châm kết hợp giữa thủy lợi hóa và hợp tác hóa; bước đầu thí điểm cơ khí hóa nông nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ XX. Liên tục trong các năm sau ngày giải phóng, hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn đã được xây dựng dần đáp ứng được yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhân dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ngành nghề nông thôn được phát triển nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Từ đó, chỉ 10 năm sau (1965), nông nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh. Từ trồng cây lương thực là chủ yếu, nông dân đã chuyển sang trồng thêm cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản. Đến năm 1967, nông nghiệp Hà Nội đã đạt mức 5,16 tấn thóc/ha, vượt qua ngưỡng 5 tấn/ha (sau tỉnh Thái Bình), trong đó có nhiều HTX đạt 7 tấn/ha như HTX Hà Nội - Huế - Sài Gòn; HTX Đại Từ; HTX Yên Duyên…
Sau thống nhất đất nước năm 1975, nông nghiệp Hà Nội tiếp tục có nhiều thay đổi. Cơ chế khoán sản phẩm đến hộ nông dân đã trở thành khâu đột phá trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, quan hệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nông dân, tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp phát triển. Công tác thủy lợi, đê điều được hiện đại hóa, cứng hóa bảo đảm phục vụ sản xuất phòng, chống lụt bão.
Nông nghiệp Hà Nội hôm nay, đặc biệt là sau 7 năm Thủ đô mở rộng địa giới hành chính đã và đang có những thay đổi bứt phá. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, Thủ đô sau mở rộng có diện tích tự nhiên lớn (hơn 332.000ha), dân số đông (6,8 triệu người). Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là trên 188.000ha, chiếm 56,7% và dân số sống ở khu vực nông thôn gần 4 triệu người, chiếm tỷ lệ 57%. Điều đó cho thấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng chiếm một vị trí to lớn trong sự phát triển của Thủ đô. Năm 2010, Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân". Một trong những bước đi đột phá gắn với Chương trình 02 đó là triển khai dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) để xóa bỏ thực trạng manh mún, lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp; phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung theo quy hoạch. Để có kết quả này, cán bộ và nông dân Hà Nội đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Chỉ trong 3 năm, đến nay Hà Nội đã hoàn thành công tác DĐĐT với diện tích hơn 76.000ha. Trong đó, một số huyện đã thực hiện vượt kế hoạch như Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên…
Sau DĐĐT, nông nghiệp Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn cho giá trị thu nhập cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh… Trong chăn nuôi, Hà Nội đã có đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu, bò trên 170 nghìn con; đàn lợn trên 1,5 triệu con, đàn gia cầm, thủy cầm gần 25 triệu con. Đến nay, tỷ trọng sản xuất ngành chăn nuôi đã chiếm 52,7% cơ cấu nông nghiệp. Đáng chú ý, Thủ đô có hàng nghìn trang trại, hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư đã ứng dụng công nghệ cao trong một số khâu như: Xây dựng hệ thống chuồng nuôi khép kín, có hệ thống xử lý chất thải và được cấp chứng nhận VietGap.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thành phố đang chỉ đạo các huyện, thị xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã ra đời như Quyết định số 16 (thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016); Nghị quyết số 25 (có nội dung về khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014-2020). Mới đây, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 03 (về một số chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020). Điều đó đã và đang khẳng định sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với lĩnh vực nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất/ha canh tác, làm giàu cho người dân nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.