(HNM) - Trong những năm gần đây, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tập trung dồn điền, đổi thửa chuyển diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), cho thu nhập khoảng 102 triệu đồng/ha, gấp hơn 4 lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, NTTS ở Thanh Trì vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thu nhập tăng 4 lần so với cấy lúa
Thu hoạch cá ở xã Hoàng Liệt (huyện Thanh Trì). Ảnh: TTXVN
Thanh Trì hiện có hơn 900ha mặt nước, đã chuyển đổi được 810ha NTTS, tập trung ở các xã Đông Mỹ, Thanh Liệt, Tứ Hiệp, tả Thanh Oai… Trong đó xã Đông Mỹ nổi bật là vùng NTTS triển vọng của thành phố Hà Nội, có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, nông dân có trình độ thâm canh cao… Với 110ha mặt nước, mỗi năm Ðông Mỹ cung cấp cho Hà Nội khoảng 700 tấn cá, tôm các loại. Theo Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Lê Tuấn Minh, xã đã tập trung dồn điền, đổi thửa chuyển toàn bộ diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS. Thành phố đã đầu tư 13 tỷ đồng cho xã xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, kênh mương) tới từng hộ nuôi thủy sản. Hiện tại, thu nhập bình quân từ NTTS ở Thanh Trì nói chung và xã Đông Mỹ nói riêng đạt khoảng 102 triệu đồng/ha (năng suất trung bình 7 tấn cá/ha/năm), trước khi chuyển đổi chỉ đạt 15-25 triệu đồng/ha, NTTS tăng gấp 4 lần so với cấy lúa. Năm 2008, huyện Thanh Trì đã triển khai xây dựng mô hình NTTS an toàn, sạch bệnh ở xã Đông Mỹ với quy mô 24ha với 33 hộ dân tham gia, được coi là mô hình an toàn sạch bệnh đầu tiên tại Hà Nội. Anh Nguyễn Duy Sáng người nuôi thủy sản ở Đông Mỹ cho biết, sản xuất theo quy trình này, năng suất sẽ cao hơn so với nuôi thông thường. Theo tính toán, mô hình này có thể cho năng suất cao hơn từ 25-30% so với nuôi thông thường. Trong tháng 10 năm 2009, sản phẩm thủy sản sạch đã được đem ra thị trường tiêu thụ và được bán với giá cao hơn thủy sản thông thường khoảng 30%. Theo bà Bùi Thị Uyên, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, địa phương chưa có một địa điểm nào để trưng bày, nên rất khó cho quảng bá và tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn. Mặt khác, các hộ hiện vẫn chủ yếu nuôi tự phát, chưa điều chỉnh kế hoạch thu mua sản phẩm, có lúc không có sản phẩm đáp ứng đòi hỏi của thị trường. Hiện tại, nhiều người NTTS đều gặp khó khăn về nguồn vốn… Bên cạnh đó, để thay đổi nhận thức của người sản xuất về nuôi trồng thủy sản an toàn không phải là chuyện đơn giản.
Quy hoạch vùng nuôi tập trung
Nghề NTTS ở Thanh Trì đang có những bước phát triển mới nhờ chính sách đầu tư mạnh và hợp lý, tạo cơ sở vững chắc cho người dân tăng thêm thu nhập. Hơn thế nữa, NTTS đang có nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm do hiện nay, sản lượng thủy sản mới đáp ứng được khoảng 25-30% nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Tuy nhiên, để xây dựng những vùng NTTS an toàn đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, trong thời gian qua UBND huyện Thanh Trì đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các xã có diện tích NTTS lớn như Đông Mỹ, Tứ Hiệp… mở các lớp đào tạo về NTTS, sau đó cấp chứng chỉ cho bà con nông dân. Lớp học đủ hình thức, từ tập trung học lý thuyết đến thực hành ngay tại các trang trại. Các kiến thức về lựa chọn con giống chất lượng cao, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn, thuốc kháng sinh trong danh mục khi có dịch bệnh, vệ sinh ao nuôi hợp lý… được phổ biến đến người nuôi.
Bên cạnh đó, để NTTS thật sự phát huy hiệu quả cần có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, đẩy nhanh "tốc độ" chuyển đổi ruộng đất ở các vùng dự án, quy hoạch từng vùng nuôi tập trung, tăng thời hạn cho thuê đất mang tính bền vững hơn (ít nhất 20 đến 30 năm). Ngoài ra, cần có chính sách kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản để trực tiếp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tạo ra mối liên kết chặt chẽ liên kết rộng giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông. Anh Quán Văn Thuận ở Tứ Hiệp cho rằng, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi hơn về điều kiện vay vốn với lãi suất thấp cho người dân phát triển nuôi thủy sản. Đồng thời, cũng cần tính đến "đầu ra" ổn định bằng việc quy hoạch, xây dựng các chợ đầu mối nhằm giảm áp lực tiêu thụ. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh NTTS theo hướng bền vững, toàn diện, Thanh Trì sẽ hình thành các mô hình nuôi con đặc sản như cá chình, cá vược, cá trắm đen, tôm càng xanh để tạo ra giá trị kinh tế cao nhằm tiến tới cải tạo đàn cá truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.