Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những biểu hiện của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Hương Thủy| 07/05/2019 16:26

(HNMO) - Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện: Vận động nhiều, luôn nhấp nhổm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập...

Chiều 7-5, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã thông tin về rối loạn tăng động giảm chú ý.

Theo ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng  Tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Tỷ lệ trẻ mắc ADHD ở trên thế giới là khoảng 5,2%. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu.

Trẻ mắc ADHD biểu hiện chính như: Vận động nhiều, luôn nhấp nhổm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt; bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi, nói quá nhiều…

Trưởng phòng  Tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây nên ADHD như: Di truyền, đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, vai trò của môi trường…

Trẻ mắc ADHD đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ.

Điều đáng nói, hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán ADHD tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh, thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, trẻ bị ADHD có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.

Vì vậy, việc phát hiện, điều trị sớm và can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong việc cải thiện, hồi phục chức năng cho các trẻ bị ADHD. Điều trị ADHD có nhiều lựa chọn điều trị như: Giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp...

Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh, điều trị ADHD giống như mô hình điều trị bệnh lý mãn tính, tức quan trọng nhất là tuân thủ điều trị. “Điều trị không có nghĩa là phải uống thuốc mà tuân thủ điều trị là phải theo dõi thường xuyên, quản lý bệnh, tái khám bệnh định kỳ…”, bác sĩ nhấn mạnh.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân điều trị lâu nhất đến thời điểm này là 8 năm. Bệnh nhân này điều trị từ khi 8 tuổi và nay đã 16 tuổi. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân có tiến triển tích cực, kết quả học tập tốt.



Tuy nhiên, thuốc điều trị ADHD khá đắt. Chẳng hạn, 1 viên thuốc Concerta điều trị ADHD có giá thành 55.000-60.000 đồng. Mỗi ngày, bệnh nhân phải uống ít nhất 1 viên, có bệnh nhân uống 2 viên. Vì vậy, với những gia đình không dư dả, việc điều trị là rất khó khăn trong khi điều trị bệnh này cần lâu dài. Vì thế, Viện Sức khỏe tâm thần mong muốn bệnh nhân bị ADHD được hưởng bảo hiểm y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những biểu hiện của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.