Những sỹ quan CSGT mang quân hàm
1. Đội hình "Trung tá tuổi hai mươi"
Trong số 17 khối diễu binh, có 2 khối nữ: CSGT và nữ sỹ quan Thông tin, Bộ Quốc phòng. Nhìn trong đội hình, các nữ sỹ quan CSGT rạng ngời, tươi tắn với quân hàm Trung tá. Có lẽ, chỉ những cô gái tham dự diễu binh năm nay mới có vinh hạnh được khoác lên mình bộ quân phục hàm Trung tá CAND khi tất cả đều đang ở độ tuổi hai mươi, còn thực tế, phải hai năm sau, các "Trung tá CSGT" mới ra trường và chỉ mang hàm… Thiếu úy.
Tại hai buổi hợp luyện ở sân bay Hòa Lạc, họ được đánh giá cao với đội hình diễu binh đều, đẹp, tươi tắn.
2. Muộn nhưng không chậm bước
Trong các khối diễu binh, Cảnh sát biển đến thao trường muộn nhất. Tuy nhiên, những chàng trai đến từ Trường Sỹ quan Lục quân I (trong sắc phục "đóng thế" Cảnh sát biển) đã khiến ban tổ chức bất ngờ khi chỉ hơn tuần tập luyện, họ đã chứng tỏ khả năng diễu binh nhà nghề của mình.
Chứng kiến Cảnh sát biển thể hiện tại buổi hợp luyện lần 2, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã dành riêng những khen ngợi tốp lính trẻ. Được biết, các học viên Sỹ quan Lục quân có quá trình tập luyện đội ngũ thường xuyên ở trường và từng tham gia diễu binh, cộng với sự cố gắng cao nên dù muộn cũng không lỗi nhịp.
3. Dấu ấn 25 năm của người điều khiển đội bay
13 chiếc máy bay trực thăng thuộc các đoàn Không quân B70, B71, B72 (Quân chủng Phòng không - Không quân) mấy tháng nay tham gia huấn luyện bay tại sân bay Hòa Lạc. Tại lễ diễu binh 10/10, đội hình bay sẽ bay từ hướng sông Hồng qua khu vực Quảng trường Ba Đình, độ cao 80 - 100m so mặt đất. Trong đội hình, có 10 chiếc làm nhiệm vụ chính thức bay qua Quảng trường Ba Đình, 2 chiếc còn lại làm nhiệm vụ dự bị, 1 chiếc phục vụ các nhà báo quay phim, chụp ảnh...
Tổ bay huấn luyện tại sân bay Hòa Lạc, chuẩn bị phục vụ lễ diễu binh sáng 10/10. |
Người chỉ huy đội bay là Thượng tá Lương Văn Lâm, Phó Trung đoàn trưởng phụ trách huấn luyện bay C16, Đoàn B71, Quân chủng phòng không không quân. 25 năm trước, khi mới 24 tuổi, anh đã vinh dự tham gia đội hình duyệt binh trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2/9/1985. Đây là lần thứ 4 Thượng tá Lâm điều khiển máy bay bay qua khu vực bầu trời của Quảng trường Ba Đình lịch sử.
4. Đơn vị pháo binh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ đảm trách 21 phát đại bác
Trong dàn hợp xướng thể hiện Quốc ca mừng Đại lễ sẽ có sự xuất hiện độc đáo của 21 phát đại bác. Lữ đoàn 45 pháo binh, thuộc Binh chủng Pháo binh Bộ Quốc phòng là đơn vị đảm trách các loạt đại bác mừng Đại lễ.
Được biết, Lữ đoàn pháo binh 45 từng nổi danh với việc bắn phát đạn mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và họ cũng là đơn vị bắn loạt pháo cuối cùng vào Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
5. Niềm vinh hạnh riêng có của nữ sinh Trường THPT Lý Thái Tổ
Hiếm có trường THPT nào lại có nhiều vinh hạnh như Trường THPT Lý Thái Tổ (Từ Sơn, Bắc Ninh) khi các thế hệ học sinh của trường đều có mặt tại những ngày lễ lớn của đất nước. Dịp Đại lễ này, học sinh của ngôi trường mang tên vị vua khai sinh Thăng Long - Hà Nội được tham gia khối diễu hành, còn tại SEA Games 22, các em tham gia nhiều tiết mục đồng diễn nghệ thuật tại sân vận động Mỹ Đình.
Đây là cảm xúc của blogger Tân Thanh, nguyên là học sinh của trường, người từng tham gia đồng diễn nghệ thuật tại SEA Games 22: "Dạo này ra đường thấy các em nữ sinh trường cấp III Lý Thái Tổ (trường cấp III mình) háo hức đi tập cho chương trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà thấy không khí khẩn trương, rộn ràng quá. Tối nào cũng 9 rưỡi, 10 giờ kém mới lóc cóc xe đạp về nhà mà trông các em vẫn hý hửng lắm. Lại nhớ khi xưa, năm 2003, mình tập luyện đồng diễn nghệ thuật khai mạc SEA Games 22, cũng hào hứng như các em bây giờ… Những ngày đi tập, trên đường, tới đâu cũng được người dân chào đón nồng nhiệt... Nghĩ mà thấy yêu đất nước mình quá, ai cũng tràn đầy tinh thần dân tộc, đoàn kết…"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.