Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bất cập trong quản lý

Minh Đức| 05/11/2011 07:17

(HNM) - Hiếm khi nào chuyện thu - chi trong trường học lại được quan tâm nhiều như hiện nay, dù năm học 2011-2012 đã qua nửa học kỳ. Tình trạng thu nhiều, thu sai đã được khẳng định ở một số nơi, căn nguyên cũng đã được mổ xẻ.


Sai quy trình, lệch danh mục

Kết quả kiểm tra công tác thu - chi đầu năm học của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, những bức xúc được dư luận đề cập tập trung ở khoản thu thỏa thuận hoặc tự nguyện. Vi phạm chủ yếu là làm sai quy trình, áp đặt hoặc làm tắt để đi đến sự thỏa thuận về những khoản thu không cần thiết.


Mức thu ngoài học phí sẽ được ấn định vào năm học mới. Ảnh: Bảo Lâm

Mặc dù sở đã yêu cầu các trường không được thu của HS 4 khoản (bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông xe) nhưng vẫn có trường thu, hoặc dự kiến thu những khoản này. Tiểu học Phú Xuyên (Phú Xuyên) thu tiền vệ sinh 15.000 đồng/HS/tháng; THCS Hồng Hà (Đan Phượng) thu 25.000 đồng/HS/tháng tiền lao công… Lại có nơi tự ý đặt ra quỹ điện thắp sáng, quạt phục vụ học tập với mức từ 30.000-70.000 đồng/HS/năm như Tiểu học Hồng Hà, Thọ Xuân, THCS Đan Phượng (Đan Phượng); ghế nhựa 20.000 đồng/HS/năm (tại một số trường của huyện Đan Phượng); hỗ trợ nước uống, điện, vệ sinh (Tiểu học thị trấn Quốc Oai B), photocopy với mức 50.000 đồng/HS/năm học (THCS Cầu Diễn, Từ Liêm)…

Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm của các đoàn kiểm tra vẫn còn lúng túng dù UBND TP đã chỉ đạo xử lý nghiêm khắc. Đến thời điểm này, chưa có cá nhân hoặc đơn vị nào bị đề xuất xử lý kỷ luật vì việc này. Thực tế cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các trường trả lại các khoản thu sai, thu nhiều cho phụ huynh HS như đã từng làm thì chắc chắn, những bức xúc về các khoản thu sẽ chưa hết "nóng".

Bất cập từ phân cấp quản lý

Tình trạng thu sai diễn ra từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Nguyên nhân căn bản là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hoạt động quản lý. Điều 105 Luật Giáo dục quy định: "Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác". Còn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại văn bản số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18-10-2010, các trường lại được "huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh HS để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học". Mặc dù Bộ GD-ĐT đã lưu ý việc huy động phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế, các cơ sở giáo dục đã vận dụng "quá linh hoạt" quy định trên để huy động sự đóng góp.

Giữa quy định của Luật Giáo dục và yêu cầu nhiệm vụ của ngành còn nhiều điều chưa sát. Nhiều ý kiến cho rằng mức thu học phí và các khoản thu khác được ban hành từ năm 2000 đến nay đã quá lạc hậu. Với mức thu học hai buổi/ngày với tiểu học là 50.000 đồng/HS/tháng, THCS 70.000 đồng/HS/tháng, tính ra, đơn giá cho mỗi tiết dạy buổi thứ hai khoảng 6.000 đồng đến 15.000 đồng/giáo viên. Mức thu nhập này khó khuyến khích giáo viên chuyên tâm với công việc.

Việc áp đặt mức thu quỹ của ban đại diện cha mẹ (BĐDCM) HS không thống nhất giữa các trường cũng là vấn đề gây bức xúc. Kết quả kiểm tra cho thấy mức thu này dao động từ 50.000 đồng/HS/năm học đến 500.000 đồng/HS/năm học. Qua tìm hiểu, việc phân cấp ban hành văn bản quản lý nhà nước giữa Bộ GD-ĐT và UBND cấp tỉnh về việc quản lý thu - chi kinh phí hoạt động của BĐDCMHS chưa rõ ràng, cụ thể. Theo quy định tại khoản 5, điều 11 của Điều lệ BĐDCMHS do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008 thì "UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của BĐDCMHS". Tuy nhiên, theo ý kiến của cơ sở, đã là đóng góp tự nguyện thì cơ quan nhà nước không thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định khoản thu này.

Sẽ ấn định mức thu ngoài học phí

Trong buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Hà Nội không có tình trạng lạm thu. Việc thu sai chỉ xảy ra ở một số trường và chủ yếu do làm sai quy trình. Theo Phó Chủ tịch, để khắc phục tình trạng trên, trước tiên ngành giáo dục cần nghiêm khắc xử lý trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng trường để xảy ra sai phạm, làm rõ khoản thu cần thiết để đề xuất đưa vào khung áp dụng chung. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ tham mưu với UBND TP ấn định danh mục và mức thu ngoài học phí vào năm học tới. Sở Tài chính cũng sẽ nghiên cứu chế tài về vi phạm quy định thu - chi và mức độ xử lý cụ thể. Đây sẽ là "cây gậy" pháp lý để ngành GD-ĐT xử lý khi phát hiện sai phạm.

Trong khi chờ quy định mới, vấn đề minh bạch các khoản thu và nội dung chi vẫn là yêu cầu cốt lõi với các nhà trường. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Quốc Khánh cho rằng, cần chỉ rõ cho các trường biết, họ được phép thu thỏa thuận những khoản nào để bảo đảm yêu cầu chăm sóc, giáo dục, tránh tình trạng tự đặt ra các khoản thu, dẫn đến lạm dụng.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ khái niệm đâu là khoản thu thỏa thuận, đâu là thu tự nguyện để tránh hiểu lầm, bởi thực tế có trường thu gộp hơn chục khoản dưới cái "mũ" thỏa thuận dù phụ huynh chẳng hay biết. Việc đồng hành cùng nhà trường chăm lo cho HS của phụ huynh là điều cần thiết, nhưng phải hợp lý. Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Bất kỳ hình thức ép buộc hay "bình quân hóa" mức đóng góp nào trong thực hiện các khoản thu thỏa thuận là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu tới ngành. Nếu vi phạm, thủ trưởng và các cá nhân liên quan phải chịu kỷ luật theo quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bất cập trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.