(HNMCT) - Không chỉ là vẻ đẹp tác phẩm, triển lãm “Miền ký ức” của họa sĩ lão thành Chu Mạnh Chấn mang đến cho người xem nhiều bài học. Bài học về tấm gương cống hiến cho nghệ thuật, về sức sáng tạo mãnh liệt ở tuổi "xưa nay hiếm" và cả ở một hồn quê Việt giản dị mà hồn hậu.
Phục dựng “hồn xưa”
Sáng 26-3 vừa qua, rất đông bạn bè văn nghệ sĩ và cả những người yêu tranh đã đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để dự khai mạc triển lãm tranh của Nghệ nhân Nhân dân Chu Mạnh Chấn. Ở tuổi gần 90, lão họa sĩ đã có một triển lãm viên mãn trong sự ngưỡng mộ của bạn bè, đồng nghiệp và thế hệ sau.
“Miền ký ức” gồm 30 tác phẩm được chọn lọc trong suốt quá trình sáng tác của ông nhưng cũng là miền ký ức của dân tộc được cây cọ tài hoa của người họa sĩ lưu lại. Ký ức được gợi lên bằng hình ảnh hết sức thân thuộc của làng quê Việt Nam, từ những cây đa, bến nước, sân đình, đình chùa, miếu mạo đến hội làng, phiên chợ rẻo cao...
Xem những bức như "Ca trù", "Chùa Tây Phương", "Cổng làng", "Cổng làng Thổ Hà", "Đình làng Hạ"..., có cảm giác cả một trời ký ức ùa về. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn tâm sự: “Tất cả những câu chuyện về quê hương trong tranh của tôi, nó đã sống cùng tôi suốt từ tuổi niên thiếu đến nay. Đó là tình cảm, đạo đức thiêng liêng sâu đậm, là sinh lực nuôi dưỡng tâm hồn tôi; đó là khát vọng nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương tôi. Tôi muốn lưu giữ lại tất cả thương nhớ ấy”.
Sở trường của họa sĩ Chu Mạnh Chấn là tranh sơn mài, nên không ngạc nhiên khi tác phẩm trong triển lãm đặc biệt này chủ yếu là tranh sơn mài. Tranh của ông theo lối tả thực, nhiều khi có cảm giác như ông cố gắng lưu lại một cách chân thực nhất vẻ đẹp truyền thống. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Ông là người đang sống trong một thời đại công nghiệp nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Hay nói đúng hơn ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên. Bởi thế mà tôi luôn thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hóa xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Ông giống như người đi xuyên thời gian. Những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng làm sống lại những vẻ đẹp đã chết hoặc bị vùi vào quên lãng”.
Tấm gương lao động sáng tạo
Xem “Miền ký ức”, công chúng ấn tượng sâu sắc với con người và cách làm việc của họa sĩ Chu Mạnh Chấn. Miệt mài sáng tác ở độ tuổi 88 như ông, quả là xưa nay hiếm. Theo nhà thơ Lương Tử Đức, họa sĩ Chu Mạnh Chấn là tấm gương sáng về lao động sáng tạo: Bức tranh sơn mài “Lễ hội chùa Thầy” khổ rộng 4mx2,5m “khổng lồ” tái hiện lễ hội cổ xưa ông vẽ từ năm 1972 đến năm 2004. Ông còn vẽ hàng trăm bức tranh về con người núi rừng Tây Bắc, về đồng làng, ngõ xóm, đình chùa, đền miếu, nụ cười, ánh mắt của quê hương... Từ cuối thế kỷ XX, ông nhiệt tình tham gia gần 20 cuộc triển lãm mỹ thuật tỉnh Hà Tây (cũ) và khu vực Đồng bằng sông Hồng...
Có một câu chuyện khá hay về người họa sĩ lão thành này mà nhà thơ Lương Tử Đức chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm: “Sáng một ngày đầu thu năm 2018, đại diện Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đến nhà họa sĩ Chu Mạnh Chấn ở Hà Đông, Hà Nội. Họ ngỡ ngàng trước những họa phẩm, tranh sơn mài, sơn dầu, thuốc nước khổ lớn... Giáo sư Trần Lâm Biền thốt lên: “Tại sao cụ không làm hồ sơ xin được giải thưởng mỹ thuật của Nhà nước mà cụ chỉ xin được phong danh hiệu Nghệ nhân?”. Cụ Chấn hồn nhiên trả lời: “Dạ, thưa Giáo sư, cả đời tôi gắn bó với làng quê, đình chùa, với nhân dân tài khéo, tôi ân nghĩa với họ, nếu được ghi danh là một Nghệ nhân cũng vinh dự lắm rồi!”.
Vẫn với cốt cách giản dị, khi nói về sáng tác của mình, họa sĩ Chu Mạnh Chấn chia sẻ: “Bây giờ tôi mới thấu hiểu, truyền thống, tình người phải luôn được trân trọng và gìn giữ. Cho nên, tôi không ngừng cố gắng, nỗ lực vẽ lại những điều mà những người già kể lại, cho tôi thêm yêu quê hương, thêm sức lực, thêm say mê mà quên đi tuổi tác, quên đi những nhọc nhằn. Tôi vẽ lại những ký ức tuổi thơ không bao giờ phai”.
Chính từ những điều giản dị ấy mà học trò các thế hệ của Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây (nay là Trường Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội) coi ông là người thầy tôn kính mẫu mực, giới họa sĩ luôn coi ông là một nhân sĩ tài hoa giản dị để học tập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.