(HNM) - Ngày này đúng 60 năm trước, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được ký kết (20/7/1954-20/7/2014). Phát biểu tại lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá: "Hiệp định Genève là một bước tiến quan trọng, khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn liền với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa có ý nghĩa pháp lý, vừa tạo cơ sở vật chất, tinh thần để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước".
Để làm rõ thêm nhận định trên, đồng thời khẳng định những bài học kinh nghiệm của 60 năm trước vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, một người đã có bề dày hơn bốn chục năm liên tục làm công tác ngoại giao.
Ông Vũ Khoan. |
Dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế
- Xin ông cho biết Hiệp định Genève là dấu mốc quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó của nhân dân ta giành độc lập, tự do cho Tổ quốc?
- Hội nghị Genève 1954 là hội nghị đầu tiên và cũng là hội nghị quốc tế lớn có cả 5 ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tham dự và đã trịnh trọng tuyên bố trong lời tuyên bố cuối cùng là công nhận chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và cam kết không can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam. Đấy là mốc quan trọng về vị thế quốc tế của Việt Nam từ chỗ không được công nhận đến chính thức được công nhận. Đi liền với đó, tại hội nghị này chúng ta ngồi ngang vai bằng vế với các nước lớn. Đây là mốc quan trọng không thể không nói đến. Một mốc quan trọng nữa đó là, miền Bắc nước ta đến vĩ tuyến 17 được giải phóng, có thời gian hòa bình nhất định để xây dựng đất nước, trở thành tiền tuyến lớn cho cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi sau này. Nếu không có hậu phương lớn của miền Bắc thì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bất luận như thế nào thì Hội nghị Genève 1954 là hội nghị rất đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta.
- Như ông vừa nêu, tại Hội nghị Genève, vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam đã được khẳng định. Cụ thể điều đó như thế nào, thưa ông?
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách. Và cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đã phải đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng vừa giành được. Quân dân ta đã chiến đấu rất anh dũng nhưng xét về phương diện quốc tế chúng ta lại bị cô lập. Đến tận năm 1950, các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ gọi là dân chủ nhân dân mới công nhận nước ta nhưng các nước khác chưa công nhận Việt Nam... Tuy nhiên, tại Hội nghị Genève, Chính phủ Pháp và "mỗi nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ", "tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị" của Việt Nam.
- Thưa ông, việc ký kết Hiệp định Genève được coi là một thắng lợi đột phá của chúng ta trên mặt trận ngoại giao?
- Việt Nam là một nước có đặc thù là ngoại giao đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp giành và giữ độc lập của đất nước. Trên thế giới có lẽ chưa có quốc gia nào có nhiều hội nghị quốc tế liên quan đến mình như vậy. Nếu điểm lại có 4 mốc lớn, đó là Hội nghị Genève 1954; Hội nghị Genève 1961 về Lào nhưng có sự tham dự của Việt Nam; Hiệp định Paris 1968-1973 bàn riêng về vấn đề Việt Nam; Hội nghị Paris 1991 về Campuchia cũng có sự tham dự quan trọng của chúng ta.
- Hiệp định Genève 1954 được ký kết là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng, quyết liệt trong suốt 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách đó như thế nào, thưa ông?
- Qua những tài liệu thu lượm được và qua lời kể của các đồng chí tiền bối đã tham gia Hội nghị Genève 1954 thì bước vào hội nghị, chúng ta có một món quà rất lớn của quân dân ta đem lại, tức là chiến thắng Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn". Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng rất to phát ra tiếng vang lớn, ngân vang toàn cầu, dội vào Hội nghị Genève làm thay đổi hẳn cục diện đàm phán, tạo ra cho chúng ta một vị thế mới.
Tại Hội nghị Genève, lúc đầu phía Pháp không đồng ý đoàn đại biểu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi vào hội nghị, họ chỉ mời chính quyền Bảo Đại tham gia. Qua chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải chấp nhận phái đoàn của Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng lúc đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu tham gia hội nghị. Lúc đó, phía Pháp, phía phương Tây chỉ bàn vấn đề quân sự, không muốn bàn vấn đề chính trị. Nghĩa là vấn đề đầu tiên họ quan tâm là tù binh, thương binh của họ ở Điện Biên Phủ được trao trả như thế nào? Chúng ta cũng sẵn sàng trao đổi vấn đề đó nhưng chúng ta tiếp tục phải đấu tranh để bàn tổng thể vấn đề quân sự. Đồng thời chúng ta đấu tranh cả vấn đề chính trị, nghĩa là phải tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước để đi đến thống nhất đất nước. Qua đấu tranh của chúng ta, Pháp đã phải chấp nhận và đi đến thỏa thuận, hai năm sau đình chiến phải tiến hành tổng tuyển cử. Rồi vấn đề vùng tập kết. Nhưng do tương quan lực lượng, do tình hình quan hệ giữa các nước lớn lúc bấy giờ thì cuối cùng đi tới thỏa thuận tạm thời chia cắt đất nước ta theo vĩ tuyến 17. Phải nhận định, đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Genève 1954 là rất kiên quyết, kiên định lập trường nhưng đồng thời cũng phải mềm mỏng, linh hoạt tùy theo tương quan lực lượng.
Kiên định các mục tiêu cơ bản, lâu dài, chiến lược
- Ông đã từng nhận định, Hiệp định Genève 1954 là sự dàn xếp của các nước lớn. Vậy cụ thể là như thế nào?
- Thực sự thì tình hình diễn ra đúng như vậy vì xuất xứ của Hội nghị Genève là do các nước lớn gồm Liên Xô (cũ), Mỹ, Anh, Pháp dàn xếp với nhau để tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề Châu Âu mà không phải là bàn về vấn đề của Châu Á. Thế nhưng bàn về vấn đề Châu Âu không thành do các nước mâu thuẫn nhau, do "chiến tranh lạnh" ở vào đỉnh điểm với cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng, nhất là về vũ khí hạt nhân, thế giới đã hình thành 2 cực, chia thành 2 khối đối đầu. Những mâu thuẫn, bất đồng là quá lớn, nên các nước lớn đã quay ra bàn về hai cuộc "chiến tranh nóng" lúc bấy giờ nằm ở Châu Á là chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) và chiến tranh Đông Dương (từ 1946). Lúc này Trung Quốc mới là thành viên thứ 5 tham dự hội nghị. Vai trò của các nước lớn trong Hội nghị Genève là một thực tế mà chúng ta không thể bỏ qua và phủ nhận.
- Như vậy, hội nghị bàn về vấn đề gì là nằm trong sự toan tính của họ. Bối cảnh đó có ảnh hưởng tới công tác ngoại giao của chúng ta?
- Những vấn đề trên hoàn toàn nằm trong tính toán của chúng ta, vì chúng ta đã nhận thức được tình hình đất nước đã thay đổi, bản thân các nước lớn muốn hòa hoãn. Cuối năm 1953, bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tờ báo Expressen nổi tiếng của Thụy Điển đã gây tiếng vang lớn. Trong đó Người nêu rõ, nếu Chính phủ Pháp đã rút ra được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng ngồi vào đàm phán để giải quyết vấn đề.
- Thưa ông, mỗi sự kiện lịch sử đều diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử nhất định. Có những ý kiến cho rằng, đất nước bị chia cắt là do kết quả của Hiệp định Genève 1954 - đó là điều đáng tiếc; và phải hơn hai mươi năm sau nước nhà mới thống nhất, giang sơn thu về một mối?
- Tôi xin nhắc lại, bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào cũng phản ánh tương quan lực lượng và bối cảnh. Có thể thấy. Mặc dù chúng ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ nhưng cũng chưa đủ sức tiến lên giải phóng ngay cả nước; Điện Biên Phủ là trận công kiên lớn đầu tiên ta đánh tan một tập đoàn cứ điểm nhưng địch còn chiếm giữ hầu hết các thành phố lớn; để giải phóng được chắc phải có thời gian và điều kiện vật chất cần thiết. Bản thân ta chưa đủ lực còn về bối cảnh quốc tế, các nước như Liên Xô (cũ), Trung Quốc đang chủ trương hòa hoãn với phương Tây, đi đến hiệp định đình chiến.
Cũng cần phải nói thêm, sau Hội nghị Genève, trong nội bộ ta không phải không có tâm tư này nọ, chẳng thế mà Bác Hồ đã phải chấn chỉnh cả những biểu hiện của tư tưởng "tả khuynh" lẫn "hữu khuynh". Người chỉ ra rằng, những phần tử tả khuynh thấy thắng, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, chỉ thấy cây, không thấy rừng, chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ muốn kéo dài chiến tranh, quốc tế hóa vấn đề Đông Dương; còn những phần tử hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc, không tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, chỉ muốn cuộc sống dễ dàng... Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Trung ương Đảng ta đã ra Lời kêu gọi trong đó nhấn mạnh: "Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc… Toàn dân, toàn quân và toàn Đảng ta phải hết sức tỉnh táo đề phòng, luôn luôn nâng cao chí khí chiến đấu, ra sức khắc phục những tư tưởng chủ quan khinh địch, cầu an, thỏa hiệp, tự mãn, tự kiêu". Xem như vậy ta không mơ hồ, ảo tưởng, không rời bỏ các mục tiêu cơ bản, lâu dài mang tính chiến lược. Toàn bộ cuộc chiến đấu anh dũng trong hơn hai mươi năm sau đó cho tới thắng lợi lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã chứng tỏ rõ điều đó.
Sức mạnh "cứng" và sức mạnh "mềm"
- Thưa ông, những kinh nghiệm trong đàm phán ở Hội nghị Genève 1954 có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay?
- Thực ra hai tình huống không hoàn toàn giống nhau, mỗi sự kiện quốc tế cũng đều có những nét riêng; tuy nhiên cần thấy điểm chung ở đây: Ngoại giao là một kênh quan trọng để đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình. Hội nghị Genève là hoạt động ngoại giao lớn nhằm bảo vệ lợi ích của chúng ta là đấu tranh thống nhất đất nước. Hiện nay, chúng ta vẫn dùng các biện pháp ngoại giao, biện pháp hòa bình để bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải. Đó là những điểm tương đồng và chúng ta phải kiên trì biện pháp ngoại giao nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển thì công tác ngoại giao lại càng có vai trò đặc biệt quan trọng.
- Như ông nêu ở trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi". Vậy phải chăng hiệu quả của công tác ngoại giao còn phụ thuộc rất nhiều vào thực lực?
- Khi nói đến thực lực, nhiều người chỉ liên hệ đến sức mạnh "cứng" nhưng tôi thấy như thế chưa đủ mà phải bao gồm cả sức mạnh "mềm". Sức mạnh "mềm" chính là chính nghĩa, là lẽ phải, là lòng yêu nước, sự đoàn kết của toàn dân tộc. Sức mạnh "mềm" còn là những người yêu công lý trên thế giới. Thời điểm diễn ra Hội nghị Genève 1954 cũng vậy mà thời điểm hiện tại cũng vậy, chúng ta phải vừa đấu tranh ngoại giao vừa huy động sức mạnh dân tộc, sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Chúng ta đã và đang làm như vậy, bước đầu đã có thể nhìn nhận rõ hiệu quả.
Và cuối cùng, điều tôi rút ra là bất luận trong trường hợp nào chúng ta cũng phải độc lập, tự chủ. Công việc của chúng ta, chúng ta phải lo, không ai thay thế được mình trong việc bảo vệ đất nước, đồng thời phải tranh thủ tối đa sự đồng tình của dư luận thế giới. Muốn bảo vệ đất nước không có con đường nào khác là phải đoàn kết nhau lại, mỗi người một cách để cùng làm cho đất nước mạnh lên cả về tinh thần, cả kinh tế. Sự vận dụng tùy thuộc vào vấn đề cụ thể, tình hình cụ thể, không thể máy móc. Những bài học từ Hiệp định Genève hay sau này là Hiệp định Paris, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.