(HNM) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống và ứng phó với bão lụt nên 3 cơn bão đi qua, các địa phương đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng vẫn còn những vấn đề phải rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) gia cố nhà cửa chống bão số 3. Ảnh: Hồng Hà |
Theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, ghi nhận rõ nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo phòng chống và ứng phó với bão lụt. Đặc biệt đối với cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã phân công 3 Phó Thủ tướng về các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó cho đến khi bão tan; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để xuống địa bàn chỉ đạo công tác phòng, chống bão.
Theo Trưởng ban Chỉ đạo - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống chính trị ở cơ sở. Lãnh đạo các địa phương không chỉ ban hành văn bản mà xuống trực tiếp địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác chuẩn bị, ứng phó, khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Nhờ đó, thiệt hại do bão, lũ gây ra đã giảm nhiều so với tính chất ngày càng cực đoan của thời tiết. Đây là kinh nghiệm quý cần được duy trì, phát huy.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP Hà Nội, điểm nổi bật nhất trong công tác ứng phó thiên tai của Hà Nội năm nay là các loại hình thiên tai cấp độ rủi ro đã được đưa vào phương án phòng chống. Thứ hai là công tác chỉ đạo của thành phố và các địa phương đều rất quyết liệt, khẩn trương, bám sát cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm. Thứ ba là công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân chủ động ứng phó thiên tai đã được tăng cường, đẩy mạnh… Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị khiến thiệt hại của Hà Nội giảm rất nhiều so với cường độ của bão…
Theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo, qua 3 cơn bão, ngoài hạn chế lớn cần khắc phục về công tác dự báo, vẫn còn những khâu yếu như xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai tại các địa phương.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài: Nhiều địa phương ven biển, khi tàu thuyền vào neo đậu vẫn có người ở lại trông coi tài sản. Mới đây cùng Chủ tịch UBND TP Hải Phòng xuống khu neo đậu tàu, thuyền, Đoàn công tác phải yêu cầu lực lượng công an cưỡng chế người dân vào bờ. Bên cạnh đó việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các khu neo đậu tàu thuyền chưa được chú trọng. Trước bão, mặc dù đã có cảnh báo các địa phương phải chặt tỉa cành cây nhưng nhiều nơi vẫn chưa quan tâm đến điều này dẫn đến những thiệt hại không nhỏ.
Đề cập đến công tác khắc phục hậu quả, nhất là trong lĩnh vực phục hồi sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng thường xuyên phải đối phó với mưa bão nên trong chỉ đạo sản xuất lúa mùa phải có 5% dự phòng bằng mạ. Nếu tuân thủ nguyên tắc này thì các địa phương không lúng túng khi bị ngập úng...
Những trận mưa bão vừa qua cho thấy biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khó lường, khó dự báo. Trong công tác phòng, chống thiên tai hiện vẫn còn tình trạng thụ động, trông chờ sự chỉ đạo từ cấp trên. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm qua thực tiễn ứng phó với mưa bão vừa qua, đồng thời coi công tác phòng, chống thiên tai không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà là trách nhiệm chung của mỗi người dân, cộng đồng xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.