(HNM) - 1.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng tham dự chương trình
Gương mẫu đi đầu…
Trong cuộc hành trình lịch sử mang đầy ý nghĩa nhân văn mà Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp cùng TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Mai Linh tổ chức, nước mắt đã rơi nhiều trên khuôn mặt các mẹ, các anh hùng khi được "đi dọc Việt Nam", chứng kiến sự đổi thay của những miền quê từng là "rốn bom, chảo lửa" trong những năm tháng chiến tranh. Lẫn trong dòng cảm xúc ấy còn có cả những giọt nước mắt xúc động, chia sẻ với những việc làm đầy nghĩa tình của những người Anh hùng khi họ trở về với cuộc sống đời thường. Chưa ở đâu, những giọt nước mắt lại chứa đựng nhiều tình cảm, nỗi niềm đến thế!
Việc làm đầy nghĩa tình, trách nhiệm của các anh hùng thời bình đã một lần nữa khiến không ít người xúc động, trong đó anh hùng Đinh A Troi, người dân tộc Ba Na đến từ Bình Định. Trong những ngày tháng tham gia chiến đấu, Đinh A Troi là biểu tượng anh hùng của bà con dân tộc Ba Na ở Vĩnh Thạnh khi tổ chức hàng chục trận "bám thắt lưng Mỹ" để đánh. Hòa bình, ông tham gia lực lượng Công an tỉnh Bình Định. Năm 1982, nghỉ hưu và trở về làng K4, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, ông tiếp tục tích cực tham gia công tác xã hội. Với trách nhiệm của người Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã rồi Chủ tịch UBND xã, Đinh A Troi cùng cán bộ xã, huyện đến từng nhà vận động người dân định canh, định cư lập làng, vận động nhân dân giữ rừng, khai hoang vùng lầy trũng làm lúa nước để có cái ăn... Khi tuổi đã cao, vì lý do sức khỏe, ông xin nghỉ việc ở xã nhưng về làng lại được bà con bầu làm trưởng thôn. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội CCB xã. Nhờ sự quyết tâm của Anh hùng Đinh A Troi và đội ngũ cán bộ xã mà quê hương Vĩnh Sơn của ông hôm nay đã không còn du canh, du cư, làng của ông giờ đã được công nhận làng văn hóa, trẻ em trong độ tuổi được cắp sách đến trường. Anh hùng Đinh A Troi phấn khởi khoe: "Quê tôi hiện giờ đã có nhiều cháu đi học lắm rồi, có cháu hiện đang học năm thứ 5 đại học nữa đấy".
… và những việc làm thầm lặng
Cũng giống như Đinh A Troi, Anh hùng Hồ Vai ở cụm 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bước ra khỏi cuộc chiến với nhiều thành tích hiển hách. Năm 1964, anh du kích A Vai (24 tuổi) có vinh dự được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam tổ chức tại Tây Ninh. Sau Đại hội đó, năm 1965 ông ra miền Bắc, được gặp Bác Hồ và được Bác đặt tên là Hồ Đức Vai. Trước ngày trở lại chiến trường, ông được Bác dặn dò: "Cháu vào miền Nam phải làm gương cho mọi người học tập. Khi làm nhiệm vụ, điều nhỏ nhất mà trái thì cũng phải tránh, dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng hoàn thành". Những năm qua, Hồ Vai chỉ sợ mình chưa làm tròn lời dạy của Bác… Từ ngày đất nước hòa bình đến nay, ông đã cưu mang, chăm sóc những trẻ thơ bị di chứng chất độc da cam và mồ côi. Ngoài sự chia sẻ với các cháu bằng tiền lương hưu hằng tháng, từ 5 năm nay, ông đã bươn chải khắp nơi vận động tổ chức, cá nhân cùng đóng góp tiền của cho những trẻ thơ kém may mắn ở quê hương. Và số tiền ông quyên góp của các nhà hảo tâm để ủng hộ các cháu có hoàn cảnh khó khăn lên đến 30 tỷ đồng. Cũng chính từ tấm lòng nhân ái ấy, suốt 35 năm qua, thể theo nguyện vọng của người dân, ông đã đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Người tàn tật của huyện.
Anh hùng Kan Lịch, người nữ anh hùng của dân tộc Pa Cô đã khiến nhiều người cảm động khi trở về với cuộc sống đời thường, bà đã có những việc làm đầy tình nghĩa ngay tại nhà mình. Mặc dù đã được đi khắp đó đây, đã là người nhà nước, là sĩ quan quân đội nhưng khi về với đời thường, Kan Lịch lại là người phụ nữ Pa Cô giản dị, thuần phác từ giọng nói đến phục trang như bao người phụ nữ khác ở buôn làng mình. Tiếp xúc với bà, ít ai hình dung được rằng người phụ nữ nhỏ nhắn này lại là một anh hùng gan dạ với thành tích chiến đấu 49 trận, diệt 150 tên địch, là người con gái dân tộc thiểu số đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và đã 7 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Anh hùng Kan Lịch đã không quản ngại khó khăn khi cưu mang những đứa cháu trong họ có số phận không được may mắn. Gần 10 năm nay trong nhà bà lúc nào cũng có 3-5 đứa cháu đến ăn ở và học hành. Với đồng lương eo hẹp của hai vợ chồng CCB, đã có lúc bà tưởng mình không vượt qua được khó khăn, nhưng rồi với bản chất người lính, bà và chồng lại cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, động viên nhau để cùng nuôi các cháu ăn học nên người…
Chiến tranh kết thúc đã gần 4 thập kỷ, nhưng cuộc chiến của những người Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh dường như chưa lúc nào ngưng nghỉ. Đó không chỉ là cuộc chiến trong trận mạc mà còn là cuộc chiến với chính bản thân mình để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người khác. Những việc làm của họ sẽ là món quà ý nghĩa, việc làm tri ân mà những Anh hùng muốn dâng lên đồng đội đã khuất cho đất nước bình yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.