Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ân tình sâu nặng

Nguyên Hoa| 05/04/2017 06:19

(HNM) - Tiếng súng chiến tranh đã tắt vài chục năm nhưng nhiều gia đình vẫn canh cánh nỗi đau khi người thân chưa trở về, dù chỉ là chút di cốt...


Những cánh chim không mỏi

Hơn 40 năm nay, người cựu chiến binh (CCB) nguyên là cán bộ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn âm thầm đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ông là Nguyễn Dũng, nhiều người vẫn gọi bằng cái tên thân mật - Dũng “khùng” bởi từ sau khi rời chiến trường trở về ngoài việc nghiên cứu khoa học ông dành gần như toàn bộ thời gian trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội.

Cựu chiến binh Phạm Song Toàn hằng ngày thầm lặng chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.


Tham gia chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị khi còn là chàng sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội và may mắn trở về sau chiến tranh nhưng hình ảnh những đồng đội vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất miền Trung khiến ông luôn day dứt. Năm 1977, có dịp về lại chiến trường xưa, ông thấy còn quá nhiều đồng đội chưa có thông tin đầy đủ nên đã quyết định dành thời gian để tìm kiếm, xác minh thông tin về các liệt sĩ. Bằng trí nhớ và tâm huyết của mình, gần 40 năm qua, ông Dũng “khùng” đã đến nhiều làng mạc vốn là trận địa năm xưa, gặp gỡ những người từng tham gia chiến đấu và cả những người làm công tác chính sách từ xã, huyện đến tỉnh Quảng Trị - địa bàn ông từng chiến đấu - để tìm hiểu, tập hợp thông tin về những đồng đội đã hy sinh. Vốn là người làm khoa học nên ông đã tận dụng thế mạnh trong việc khai thác thông tin trên mạng về liệt sĩ, phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để việc tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ được chính xác và hiệu quả. Hơn 40 năm qua, CCB Nguyễn Dũng cùng đồng đội đã đưa được hơn 70 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương trong niềm vui của gia đình, dòng họ.

Trở về sau chiến tranh, CCB Phạm Song Toàn, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội) tri ân đồng đội bằng cách nhận đảm đương công việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ tại quê nhà. Nhưng với ông, thế là chưa đủ khi vẫn còn nhiều đồng đội của mình đang nằm lại nơi chiến trường xưa. Vậy là từ năm 1997, người CCB ấy đã 30 lần về chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng - những nơi đơn vị ông từng chiến đấu để tìm thông tin liệt sĩ. Ông đã đến 30 nghĩa trang liệt sĩ, ghi chép gần 3.000 thông tin rồi gửi cho các báo, đài đăng tin hoặc đến tận nhà liệt sĩ báo tin. Đã có hàng trăm gia đình nhận được thông tin về người thân từ ông, hơn 100 liệt sĩ đã được đón về quê hương an nghỉ. Trong đó, ông đã trực tiếp đưa 15 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Câu chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ tưởng chừng chỉ là việc của những người đã đi qua cuộc chiến nhưng với trường hợp chị Ngô Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ - MARIN - thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã phá vỡ thông lệ đó. Chị Hằng cho biết: "Quá trình đi tìm mộ bác ruột cho tôi thấy, các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ khuyết thông tin. Điều đó thôi thúc tôi tìm tòi để xây dựng dữ liệu, giải mã phiên hiệu đơn vị, hoàn thiện thông tin về phần mộ để liệt sĩ có cơ hội trở về quê hương".

Hơn 10 năm qua, Trung tâm MARIN đã xây dựng, khớp nối dữ liệu thông tin của hơn 900.000 liệt sĩ và đang tập trung đến những phần mộ tại các nghĩa trang của 4 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. MARIN còn đi đầu trong công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, tìm kiếm các thông tin liên quan đến liệt sĩ, các chính sách có liên quan đến thân nhân, gia đình liệt sĩ. Điều đáng quý là tất cả các hoạt động trên đều không thu phí, tình nguyện viên hoạt động không hưởng thù lao.

Cần nhiều hơn nữa những tấm lòng

“Chiến tranh càng lùi xa, việc tìm kiếm mộ liệt sĩ càng khó khăn hơn bởi những mộ có thông tin chính xác đã tìm rồi. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội còn sống đến hôm nay sẽ quyết tâm làm hết sức mình để có thêm nhiều hơn nữa liệt sĩ được xác định đúng danh tính, trở về với gia đình” - CCB Nguyễn Dũng chia sẻ. Để có thêm nhiều gia đình tìm được mộ liệt sĩ rất cần sự chung tay của toàn xã hội, cần nhiều hơn nữa những CCB tâm huyết như CCB Nguyễn Dũng, CCB Phạm Song Toàn, chị Ngô Thúy Hằng.

Theo thống kê, riêng TP Hà Nội có gần 79.000 liệt sĩ nhưng mới quy tập được trên 10.000 liệt sĩ về địa phương; còn gần 60.000 trường hợp chưa được quy tập hoặc chưa rõ thông tin phần mộ hiện đang an táng ở đâu. Để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả cao nhất, vừa qua Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội CCB thành phố đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động CCB, người dân và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Hội CCB TP Hà Nội Lê Minh Cược cho biết: "Thời gian qua, CCB Thủ đô đã cung cấp hàng nghìn thông tin, giúp hàng trăm gia đình tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều gia đình liệt sĩ ở Hà Nội. Ngoài hội viên CCB, trên địa bàn thành phố có 72 ban liên lạc truyền thống các đơn vị, quân đoàn, quân khu, sư đoàn..., đây là những người trực tiếp tham gia chiến đấu nên có nhiều thông tin. Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động để các CCB tích cực, tự giác cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, nhất là hài cốt liệt sĩ chưa xác định được tên và còn nằm lại nơi xa quê hương. Ngoài ra, Hội CCB và các cơ quan chức năng như: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở LĐ-TB&XH sẵn sàng đón tiếp người dân đến cung cấp thông tin.

Thêm một phần mộ liệt sĩ xác định được chính xác họ, tên, nguyên quán là bớt được nỗi đau cho một gia đình, thậm chí là một dòng họ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người dân, mỗi CCB nếu có thông tin về mộ liệt sĩ hãy cung cấp cho các cơ quan chức năng có liên quan. Bởi thêm một thông tin mới có thêm một tia hy vọng cho những người làm công tác quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, để người thân tìm được người thân, để nỗi đau chiến tranh sẽ dần khép lại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ân tình sâu nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.