Bình thường đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Phạm Thanh Phong rất ít nói. Trong những lần gặp gỡ tôi chỉ thấy ông ngồi lắng nghe chứ ít khi tham gia câu chuyện. Nhưng khi có cơ hội, ông khiến không ít người bất ngờ trước hiểu biết của mình về nghệ thuật, con người, xã hội...
Thì ra những lần lặng im để nghe ấy cũng chính là dịp để ông “nạp” kiến thức. Đó cũng là nguồn tư liệu “sống” để cho dù ông viết kịch bản hay đạo diễn phim thì nội dung mà ông truyền tải đều rất “đời”.
1. Phạm Thanh Phong là con trai làng Vẽ tức làng Đông Ngạc (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Cha ông là Phạm Gia Khanh, sinh thời ông làm báo, viết truyện ngắn, bút ký. Còn mẹ ông là Nguyễn Thúy Hồng, con gái Hàng Đào chính hiệu, giáo viên dạy văn - sử ở Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Hà Nội.
Vào cuối những năm 1980, đầu 1990, một tác giả chỉ cần in được vài truyện ngắn, dăm bài thơ trên Báo Văn nghệ thì đã tự hào lắm rồi, vậy mà vào thời đó Phạm Thanh Phong đã viết rất đều tay cả trên Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng được tạp chí này trao thưởng truyện ngắn hay trong năm cho truyện ngắn "Nê-rô hiền dịu”.
Những tưởng con đường văn học cứ thế thênh thang rộng mở với Phạm Thanh Phong, vậy mà ông đột ngột dừng viết văn xuôi, chuyển qua viết kịch bản phim điện ảnh và kịch bản phim truyền hình.
Tôi đã về làng Vẽ quê ông nhiều lần. Đó là một ngôi làng cổ với nhiều ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm nằm dưới chân đê hữu ngạn sông Hồng. Đứng trên đê nhìn xuôi là thấy cầu Thăng Long vắt ngang qua sông Hồng. Tuy đã lên phường, không còn gọi là làng nữa nhưng “nét cổ xưa yêu dấu” của làng vẫn còn lưu lại gần như nguyên vẹn. Hỏi chuyện những người làng Vẽ thì được biết, ngôi làng được gọi là “làng cổ Hà thành” này nổi tiếng bởi lối kiến trúc truyền thống Việt vẫn được lưu lại trong từng con ngõ, từng cổng nhà và dưới mỗi nếp nhà. Người dân nơi đây tự hào về truyền thống “làng Tiến sĩ” với 18 vị tiến sĩ khoa bảng và thường xuyên bảo ban nhau giữ truyền thống học hành đỗ đạt của làng.
Tôi hỏi NSND, đạo diễn Phạm Thanh Phong: “Chắc truyền thống của làng đã giúp ông nhiều trên con đường nghệ thuật?”. Vị đạo diễn vừa tròn 65 tuổi gật đầu: “Làng quê đã cho tôi nhiều thứ”.
2. “Có thể là do từ những năm đó truyền hình đã có bước phát triển còn điện ảnh thì đang độ sung sức?”. Tôi đặt vấn đề như vậy để lý giải cho việc Phạm Thanh Phong dừng “cuộc chơi” văn chương. Ông bảo: “Cũng không hẳn thế nhưng có một lý do khác”. Ông kể, sau khi ông tốt nghiệp đại học, Hãng phim truyện Việt Nam tuyển sinh cho Khóa tu nghiệp (khóa 1) lớp Đạo diễn điện ảnh. Chàng cử nhân văn chương trẻ ấy trúng tuyển. Ông cho hay: “Từ năm cuối đại học tôi đã thử sức mình với những kịch bản phim bởi tôi rất mê điện ảnh chứ thực tình chưa nghĩ gì to tát”.
Phạm Thanh Phong trúng tuyển và lại đi học tiếp. Khóa ấy có 10 sinh viên, miền Nam có 6 người gồm Lê Xuân Hoàng, Hồ Ngọc Xum, Nguyễn Vinh Sơn, Trần Quốc Huấn, Lê Hữu Lương và Mai Lê Bằng; còn miền Bắc có 4 người là Trần Quốc Huấn, Kiều Quốc Tuấn, Nguyễn Quang Vinh và Phạm Thanh Phong. Sau này, cả 10 người đều trở thành đạo diễn điện ảnh, truyền hình nổi tiếng.
Phạm Thanh Phong “bén duyên” với điện ảnh từ đấy. Ra trường, đạo diễn trẻ Phạm Thanh Phong về Xưởng phim truyện Việt Nam công tác. Thời gian này ông làm đạo diễn cho 2 phim điện ảnh là: “Bất đắc dĩ” và “Dòng sông cười”. Đấy là chưa kể trước đó, tức là ngay từ khi còn đang theo học lớp Đạo diễn thì Phạm Thanh Phong đã chuyển thể tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức thành kịch bản phim truyện. Bộ phim được sản xuất năm 1987 - 1988 và gây tiếng vang màn bạc dạo đó.
Truyện ngắn "Quà cưới" và "Nê-rô hiền dịu" là hai truyện ngắn ông khá tâm đắc. Trong đó, "Quà cưới" được ông viết trên bối cảnh chính ngôi nhà mà ông ở, 44 Hàng Đào. Về sau, Phạm Thanh Phong đã chuyển thể thành kịch bản phim "Cỏ ngọt" đoạt giải trong cuộc thi kịch bản của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, phim cũng đoạt giải Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc.
Đạo diễn Phạm Thanh Phong tâm sự: “Là tác giả kịch bản và làm đạo diễn nên làm phim khá thuận lợi do ý tưởng và cảm xúc được thể hiện trọn vẹn, nó như là “cuộc chơi” của mình vậy. Còn làm đạo diễn với kịch bản của người khác lại cần phải đọc kỹ, hiểu kỹ, nhất là hiểu đúng về kịch bản, “trung thành” với những gì mà tác giả kịch bản đã gửi gắm”.
Đặc biệt là Phạm Thanh Phong đã cùng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đồng đạo diễn bộ phim “Đất và người” do nhà văn Trung Trung Đỉnh chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường. Khi nghe Phạm Thanh Phong kể, tôi tò mò: “Việc chuyển thể một tác phẩm văn học nổi tiếng thành kịch bản phim có thuận lợi và khó khăn gì?”. Ông chậm rãi trả lời: “Sự thành công của một bộ phim trước hết phải được đánh giá qua kịch bản. Đó chính là điều cốt yếu làm nên hiệu quả về nội dung của bộ phim. Tiếp đó là đạo diễn, diễn viên, quay phim, dàn dựng, bối cảnh”.
Phạm Thanh Phong chia sẻ thêm: “Có nhiều quan điểm khác nhau về sáng tác nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật là gì? Sáng tác nghệ thuật để làm gì? Phải chăng đó là phương cách chữa lành vết thương trong tâm hồn mỗi con người, mà điểm bắt đầu của sự chữa trị đó chính là từ tác giả. Sự ấm áp tình người sẽ tạo nên chất thơ cho mỗi số phận, nhưng dường như điều đó ngày càng mong manh. Cho đến ngày hôm nay, đã đạo diễn và viết kịch bản cho hàng trăm tập phim, nhưng tôi vẫn dựa vào nỗi hoài niệm mong manh đó để làm điểm tựa cho cuộc sống và sáng tác của mình”.
3. Phạm Thanh Phong ở Xưởng phim truyện Việt Nam cho đến năm 1996 thì chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam. Chả là khi ấy Đài Truyền hình Việt Nam đã tính tới việc tự làm phim để phát trên sóng truyền hình. Trung tâm nghe nhìn của đài là tiền thân của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) - nơi thu hút nhân tài về đạo diễn và viết kịch bản. Phạm Thanh Phong đầu quân cho Đài Truyền hình Việt Nam cùng với nhiều nhà văn, đạo diễn đã thành danh khác như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ...
“Vậy các con của ông có nối nghiệp cha không?”. Trước câu hỏi này, đạo diễn - NSND Phạm Thanh Phong cười rất vui: “Con trai tôi hiện cũng là đạo diễn của VFC. Tôi tin vào lớp trẻ vì họ được trang bị đầy đủ kiến thức và có chí tiến thủ. Bộ phim “Biệt dược đen” do cháu làm đồng đạo diễn với đạo diễn Trần Trọng Khôi năm 2024 này được đề cử Giải Cánh diều vàng”. Rồi ông tâm sự, càng lớn tuổi ông càng quan tâm nhiều hơn đến 2 đề tài là Hà Nội và Phật giáo. Đạo diễn - NSND Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Phim về đề tài Hà Nội tôi đã có “Chuyện phố phường”, đồng kịch bản với nhà văn Phạm Ngọc Tiến thật đấy, nhưng vẫn cảm thấy chưa nói đầy đủ được về Hà Nội. Tôi vẫn còn nợ Hà Nội một món nợ ân tình bởi Hà Nội là nơi tôi sinh ra, lớn lên và luôn là nguồn cảm hứng cho những sáng tác của tôi”.
Đạo diễn Phạm Thanh Phong được phong danh hiệu NSƯT năm 2001 và NSND năm 2015. Ông được trao giải Nhất cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim về đề tài môi trường lần thứ nhất” với bộ phim “Linh Huyết”; giải Kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 - năm 2000 cho bộ phim “Điện thoại đồ chơi”; giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2008 và giải Cánh diều vàng (cho kịch bản và đạo diễn) với bộ phim “Mùa hè rớt”; giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1997 với bộ phim “Dương tính”. Mới đây nhất, năm 2022, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 2 bộ phim truyện truyền hình: “Dương tính” và “Mùa hè rớt”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.