(HNM) - Mặc dù chưa được cấp phép nhưng nhiều trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân...
Những trạm trộn nhiều "không"...
Con đường nối xã Lại Yên và xã An Khánh bị cày xới, băm nát bởi hằng ngày phải “cõng” hàng trăm lượt xe trọng tải lớn ra - vào các trạm trộn bê tông “đóng” trên trục đường này. Trong những ngày mưa vừa qua, nước ngập đường, các phương tiện giao thông qua lại vô cùng khó khăn. Nhiều trường hợp đã bị tai nạn bởi không biết các “ổ voi” ngập nước.
Theo cán bộ địa chính xã Lại Yên Đỗ Văn Quyết, trên đoạn đường này, cách nhau chỉ vài chục mét mà có 2 trạm trộn bê tông quy mô lớn của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng quốc tế Asean và Công ty cổ phần Kinh doanh vật liệu xây dựng BHB. Ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù. Người dân kiến nghị rất nhiều nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục...
Một trạm trộn bê tông chưa được cấp phép trên địa bàn xã Lại Yên. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên Trần Đình Nam, tiếng ồn và lượng bụi xi măng phát ra từ các trạm trộn bê tông rất lớn. Một số trạm trộn bê tông còn đổ bê tông thừa ra đường, gây mất an toàn giao thông... "Không rõ có liên quan đến các giếng khoan "khổng lồ" lấy nước phục vụ các trạm trộn bê tông hay không, nhưng thời gian gần đây, nhiều giếng khoan của các gia đình ở xã Lại Yên bị mất nước, mực nước ngầm sụt giảm. Chúng tôi đang rất lo ngại" - ông Nam cho biết.
Giáp nội đô, quá trình đô thị hóa mạnh, nhu cầu bê tông thương phẩm lớn nên những năm gần đây, ở Hoài Đức "mọc" rất nhiều trạm trộn bê tông. Theo báo cáo của UBND huyện, hiện trên địa bàn có 25 trạm trộn bê tông hoạt động tại các xã: An Thượng, Song Phương, Di Trạch, Kim Chung, Lại Yên và An Khánh. Đáng nói là không ít trạm "sở hữu" nhiều "không": Không giấy phép hoạt động; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không giấy phép khai thác nước ngầm, không giấy phép xả thải…
Cần xử lý dứt điểm
Trước bức xúc trên, tháng 4-2016, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và lập biên bản xử lý vi phạm. Huyện đã ban hành 9 quyết định xử phạt hành chính về trật tự xây dựng, 5 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình vi phạm; 2 quyết định cưỡng chế công trình vi phạm; 1 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 3 quyết định xử phạt vi phạm hành vi khai thác nước ngầm không phép…; tham mưu trình thành phố ban hành 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo kết quả rà soát, đã có 5/25 trạm được chủ đầu tư chủ động tháo dỡ, dừng hoạt động. Trong số 20 trạm còn lại, có 8 trạm cơ bản đủ điều kiện hoạt động như: Sử dụng đất đúng mục đích ghi trong chứng nhận quyền sử dụng đất; có văn bản của cấp có thẩm quyền chấp thuận về quy hoạch cho phép xây dựng trạm trộn bê tông; có báo cáo đánh giá tác động môi trường; có giấy phép khai thác nước ngầm; giấy phép xả thải… UBND huyện cho biết, những trạm này có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định của luật.
Đối với 3 trạm trộn hoạt động trong các khu đô thị đang xây dựng, UBND huyện yêu cầu hoàn thiện hồ sơ pháp lý, sau khi các đô thị hoàn thành phải tháo dỡ. Đối với 9 trạm bê tông không đủ điều kiện hoạt động, từ tháng 3-2017 đến nay, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành 4 quyết định cưỡng chế tháo dỡ 4 trạm của các công ty: Công ty TNHH Đồ gỗ Yên Sơn; Công ty cổ phần Bê tông Thành Phát (tháng 3-2017); Công ty cổ phần Xây dựng và kỹ thuật An Bình; Công ty cổ phần Đầu tư Sông Đà - Việt Đức (tháng 7-2017). Đối với các trạm còn lại, huyện đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục để tiến hành cưỡng chế tháo dỡ vi phạm ngay trong quý III-2017.
Mặc dù đã chỉ rõ sai phạm và ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ 4 trạm trộn bê tông, trong đó có 2 quyết định cưỡng chế ban hành từ tháng 3-2017, nhưng qua hơn 4 tháng nay, 2 trạm trộn bê tông có quyết định cưỡng chế (từ tháng 3) vẫn tồn tại. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý cho biết, nguyên nhân do các trạm trộn bê tông này xây dựng quy mô rất lớn nên cần có kế hoạch cưỡng chế cụ thể, kỹ lưỡng; mặt khác, chính quyền vẫn vận động để các doanh nghiệp tự tháo dỡ nên có tình trạng cố tình kéo dài thời gian hoạt động trái phép.
Rõ ràng, thời gian tới, Hoài Đức cần có giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm những tồn tại đang gây nhức nhối cho môi trường và sức khỏe người dân. Tất cả hướng đến mục tiêu chung: Xây dựng huyện nông thôn mới văn minh, hiện đại, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.