Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhu cầu mua sắm điện thoại thông minh trong nước giảm mạnh

Hoàng Linh| 30/08/2022 10:30

(HNMO) - Theo số liệu của Canalys, lượng điện thoại thông minh tiêu thụ tại Việt Nam trong quý II-2022 đã giảm tới 20%, sâu nhất tại Đông Nam Á.

Năm 2022 chứng kiến nhiều mẫu điện thoại thông minh mới ra mắt.

Trong quý II-2022, người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đã mua 24,5 triệu máy, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 5 thị trường điện thoại thông minh lớn nhất khu vực đều chứng kiến tình trạng chững lại. Trong đó, các nước chứng kiến tăng trưởng là Malaysia (6%), Indonesia (2%), Philippines (4%). Các nước có thị trường lao dốc là Thái Lan (giảm 14%), Việt Nam (giảm 20%). 

Xét về quy mô, Indonesia vẫn là thị trường điện thoại thông minh lớn nhất tại Đông Nam Á, tiêu thụ 9,1 triệu máy trong quý vừa qua, tương đương 37% thị phần khu vực. Ở vị trí thứ hai là Philippines với 4,4 triệu máy bán ra, dẫn trước Thái Lan (4 triệu máy bán ra), Việt Nam (3,1 triệu máy bán ra), Malasyia (2,4 triệu máy bán ra)… 

Xét ở từng thương hiệu, Samsung đứng đầu tại Đông Nam Á (với 23% thị phần) và cũng dẫn đầu doanh số tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Dù là thương hiệu duy nhất chứng kiến tăng trưởng (4%) trong quý vừa qua, hãng điện tử Hàn Quốc cũng thừa nhận việc kinh doanh không được như kỳ vọng, vì sức mua yếu hơn dự kiến đối với dòng sản phẩm tầm trung A-Series. 

Còn các nhà sản xuất của Trung Quốc, gồm Oppo, Xiaomi, Vivo, Realme cũng có một quý kinh doanh tương đối thành công. Trong đó, realme dẫn đầu tại Philippines với 20% thị phần, còn Xiaomi tuy suy giảm doanh số ở khu vực tới 34%, nhưng vẫn “thống trị” thị trường Malaysia với 30% thị phần. Oppo bám sát các đồng hương ở vị trí thứ hai, chủ yếu nhờ sức tiêu thụ tốt của mẫu A16 - chiếc điện thoại bán chạy nhất tại thị trường Đông Nam Á. 

Giá thành là yếu tố quan trọng thuyết phục người tiêu dùng tại Đông Nam Á.

Việc thị trường điện thoại thông minh chững lại được đánh giá là đang ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình triển khai phủ sóng 5G tại nhiều quốc gia. Bản thân các mẫu điện thoại có khả năng sử dụng công nghệ mới này cũng chứng kiến doanh số giảm 18% trong quý II-2022.

Thực tế, việc mở rộng độ phủ mạng 5G tại Đông Nam Á hiện có khó khăn, trong bối cảnh mạng 4G vẫn đủ sức đáp ứng hầu hết nhu cầu dữ liệu của người dùng, trong khi lạm phát gia tăng khiến tâm lý lựa chọn ưu tiên các sản phẩm có tuổi đời dài, chú trọng tới các yếu tố như pin, bộ nhớ trong, chất lượng máy ảnh…, hơn là những công nghệ tuy tiên tiến nhưng chưa đem lại nhiều lợi ích trong sử dụng hằng ngày. 

Trong bối cảnh trên, thách thức lớn nhất đối với các hãng sản xuất điện thoại thông minh giai đoạn cuối năm chính là việc duy trì giá bán hợp lý trong khi vẫn phải đảm bảo được lợi nhuận.

Một trong những cách tiếp cận khả quan thời gian qua là tung ra thêm các sản phẩm mới đa dạng hơn, nhưng sự tràn ngập của các dòng máy mới được cảnh báo có thể dẫn tới hiện tượng “dẫm chân lên nhau”, gây ra sự rối loạn phân khúc và suy giảm doanh số tổng thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu mua sắm điện thoại thông minh trong nước giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.