(HNM) - Hiện nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu đến nền kinh tế thế giới, kéo theo một cuộc khủng hoảng nợ tại các nước đang phát triển. Trong bối cảnh này, một lần nữa, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã phát huy vai trò của mình bằng việc triển khai hội nghị trực tuyến các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan và Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này Ahmed al-Kholifey, tại hội nghị diễn ra ngày 18-7, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã cam kết sẽ tiếp tục sử dụng "tất cả các công cụ chính sách có sẵn" để chống lại đại dịch Covid-19, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Trong một thông cáo đưa ra sau hội nghị, các quan chức tài chính và ngân hàng G20 cho biết, 42 trong số 73 quốc gia nghèo nhất thế giới đã yêu cầu đóng băng các khoản thanh toán nợ song phương chính thức cho đến cuối năm nay, với số tiền khoảng 5,3 tỷ USD trả chậm. G20 kêu gọi tất cả các chủ nợ thực hiện đầy đủ Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) đã được đưa ra. Theo các quan chức G20, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi khi các quốc gia dần mở cửa trở lại nhưng cần bảo đảm tăng trưởng một cách bền vững.
Bên lề sự kiện, Nhóm B20 (doanh nghiệp thuộc các nước G20) cũng tiến hành họp trực tuyến. Với sự tham gia của hơn 500 lãnh đạo các doanh nghiệp, B20 đã kêu gọi sự phối hợp trên quy mô toàn cầu nhằm chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Theo đó, giới doanh nghiệp, không phân biệt khối tư nhân hay nhà nước cần phối hợp để bảo vệ người lao động, cùng các chính phủ giữ cho nền kinh tế toàn cầu vận hành ở mức cao.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo, mặc dù có dấu hiệu phục hồi, song nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những "cơn gió ngược" kéo dài, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng. Dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm khoảng 4,9% trong năm nay do sự sụt giảm sâu hơn dự kiến. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgiev kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới nên duy trì các chương trình hỗ trợ kinh tế.
Theo nhận định của người đứng đầu IMF, gói kích thích kinh tế trị giá 11 nghìn tỷ USD do các quốc gia G20 cung cấp đã giúp ngăn chặn một hậu quả tồi tệ hơn, song "những mạng lưới an toàn này phải được duy trì khi cần thiết và trong một số trường hợp phải được gia hạn". Lưu ý tới tình trạng nhiều việc làm mất đi trong thời gian đại dịch hoành hành có thể sẽ không bao giờ khôi phục lại được, bà K.Georgiev cho rằng, người lao động cần được hỗ trợ và đào tạo để chuyển sang ngành nghề mới.
Theo số liệu thống kê mới nhất do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, đại dịch Covid-19 đã lan rộng tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số trường hợp nhiễm bệnh đã vượt ngưỡng 14 triệu người và số ca tử vong hơn 600.000 người. Sự lây lan chưa có điểm dừng của vi rút SARS-CoV-2 dẫn tới những nguy cơ gián đoạn của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà lãnh đạo khẳng định sự cần thiết của các giải pháp mang tính toàn cầu.
Từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, sau hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử vào cuối tháng 3-2020, G20 liên tục đưa ra những gói giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu. Với hội nghị trực tuyến các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, G20 - nhóm quy tụ 2/3 dân số thế giới, chiếm tới 85% sản lượng kinh tế toàn cầu - một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.