Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn tìm hướng đi

Đào Huyền| 23/04/2012 06:43

(HNM) - Diện tích rau an toàn (RAT) Hà Nội ngày một tăng. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ RAT đang là cản trở lớn nhất. Gần đây, một số hộ nông dân tại vùng RAT lớn nhất Hà Nội là xã Văn Đức, huyện Gia Lâm xin ra khỏi chuỗi sản xuất RAT vì khó khăn trong tiêu thụ khiến người trồng RAT bất an.


Để RAT phát triển, ngoài sự nỗ lực của ngành nông nghiệp cùng sự tham gia của các DN thì người tiêu dùng vẫn là yếu tố then chốt bởi đây chính là chủ thể của vấn đề.


Sản xuất rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).Ảnh: Khánh Nguyên

Tăng cường đào tạo nông dân sản xuất RAT

Để thúc đẩy sản xuất RAT và đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, năm 2009, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ RAT giai đoạn 2009-2015. Theo lộ trình, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 5.000 - 5.500ha RAT. Hiện, Hà Nội có trên 3.255ha rau sản xuất theo quy trình RAT, sản lượng ước đạt khoảng 228.000 tấn/năm. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, từ khi triển khai đề án, hằng năm ngành nông nghiệp Hà Nội luôn nỗ lực tăng diện tích trồng RAT. Đến nay, các quận, huyện, DN đã lập 24 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 1.652,8ha, trong đó có 8/24 dự án đã được phê duyệt với tổng diện tích 403ha, đang thi công hạ tầng, một số dự án đã hoàn thành xây dựng hạ tầng chuẩn bị đưa vào sử dụng. Chi cục BVTV đang định vị các vùng rau, dự kiến trong năm 2012, diện tích RAT của Hà Nội là 3.800ha.

Để thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất RAT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành mở hàng trăm lớp tập huấn, huấn luyện nông dân trồng RAT theo quy trình kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Việc đào tạo, tập huấn nông dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như: Huấn luyện IPM dài hạn trong cả vụ cây trồng từ 3 đến 4 tháng; tập huấn ngắn hạn bổ sung, nâng cao về kỹ thuật sản xuất và các văn bản quy định về ATTP; đào tạo VietGAP cho nông dân trong các vùng VietGAP với sự tham gia của gần 1.500 hộ nông dân, chiếm trên 80% số hộ ở các vùng RAT theo VietGAP. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, đặc biệt lớp huấn luyện IPM, nông dân được trang bị kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thực hành đồng ruộng về sản xuất RAT, nắm được những quy định về ATTP; đồng thời nâng cao nhận thức của người sản xuất trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật và quy định quản lý. Nỗ lực là vậy nhưng RAT vẫn chưa đến được với người tiêu dùng. Hiện, RAT Hà Nội mới chỉ đáp ứng trên 20% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Bà Phạm Thị Hoa (Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, Quảng Bị là vùng rau của huyện Chương Mỹ, bà con địa phương rất muốn sản xuất RAT vì không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất bởi ít dùng thuốc BVTV. Tuy nhiên, đầu ra cho RAT còn rất bấp bênh vì chưa có nhiều đơn vị đứng ra thu mua sản phẩm cho người nông dân, còn nếu mang bán ra thị trường thì bị tư thương ép, giá chẳng cao hơn so với rau thường trong khi chi phí sản xuất lại cao hơn.

Vắng bóng doanh nghiệp

Tại Hà Nội, mới chỉ có 2 DN chính đang tham gia kinh doanh, phân phối RAT là Công ty Hương Cảnh, phân phối RAT đến 27 siêu thị, cửa hàng và một số bếp ăn tập thể với sản lượng trên 1.000 kg/ngày; Công ty Vietxan với cửa hàng bán RAT cung cấp cho chuỗi nhà hàng, sản lượng trên 700 kg/ngày. Sự thiếu bóng của các DN khiến người tiêu dùng và người sản xuất không "bén duyên" được vì không có kênh phân phối. Đặc biệt, để RAT "chiếm" một vị trí trong siêu thị là điều rất khó, bởi giá thuê cửa hàng cao, mua bán dưới hình thức ký gửi, rủi ro kinh tế lớn, lợi nhuận không cao nên DN không "mặn mà" với RAT. Chị Phạm Thị Bê, chủ cửa hàng RAT Hà Đông cho biết, đa số người dân vẫn chưa có thói quen mua RAT vì giá cả cao hơn và chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm cũng như chưa thấy hết những lợi ích khi dùng loại sản phẩm này. Thực tế, việc liên kết giữa các ngành, DN và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ RAT còn lỏng lẻo, quản lý, tiêu thụ chưa đồng bộ. Đặc biệt, sự nhập nhằng giữa RAT và rau không an toàn dẫn đến tình trạng trồng RAT chưa thắng thế. Điều đó lý giải tại sao một số hộ dân tại vùng RAT Văn Đức, huyện Gia Lâm xin thôi sản xuất RAT. Trước tình trạng nông dân ngày càng rời xa các quy trình GAP, VietGap, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, chỉ đăng ký các vùng sản xuất theo GAP, VietGAp khi tìm được hướng tiêu thụ cho sản phẩm tại vùng đó.

Bên cạnh sự vắng bóng của các DN, nhận thức của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng để RAT phát triển. Thực tế, người dân rất mong muốn được sử dụng các sản phẩm an toàn nhưng lại thiếu thận trọng khi mua. Tại hội thảo "Chia sẻ kết quả của việc lập bản đồ vùng sản xuất và các điểm bán lẻ rau an toàn, rau hữu cơ tại Hà Nội và các khu vực lân cận" với sự tham gia của tổ chức Chương trình Phát triển chuỗi, dự án Hướng tới sinh kế mang lại thu nhập cho các nhóm nông hộ (VECO), ông Benoit Trudel, Điều phối viên VECO cho rằng: "Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam được thực hiện từ ngày 1-7-2011, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa chủ động đòi hỏi quyền lợi của mình. Ví dụ, khi mua một sản phẩm, người tiêu dùng sẽ phải đặt câu hỏi là sản phẩm này có an toàn không? Sản phẩm này lấy từ đâu ra và yêu cầu được xem chứng nhận? Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đó và nếu là người sản xuất trung thực, họ sẽ có bằng chứng để chứng tỏ với khách hàng là làm tốt, làm an toàn. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của mình trong vấn đề RAT, người tiêu dùng và nhà sản xuất phải "ngồi lại" với nhau và chính người tiêu dùng phải lên tiếng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn tìm hướng đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.