Khách nằm trên ghế, nhân viên nữ tay cầm nhíp, tay bới tóc theo các hướng để nhổ tóc bạc, tóc sâu. Với giá 100.000 đồng/giờ, nhổ tóc bạc là một nghề “độc” kiếm tiền triệu ở Hà Nội.
Nghề "độc" dễ kiếm tiền
Trong cuộc sống hiện nay, những việc tưởng chừng như rất dễ, ai cũng làm được, đôi khi là một thói quen, thú vui của con người lại trở thành một nghề, một công việc kiếm ra tiền. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, nhiều nghề, dịch vụ mới lạ, độc đáo đã ra đời. Nhổ tóc bạc là một nghề như thế.
Chúng tôi tìm đến quán nhổ tóc bạc tên Chấy nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc phố Lò Đúc (Hà Nội). Quán chỉ rộng chưa đầy 20 mét vuông và luôn nhộn nhịp khách hàng. Hơn một giờ đồng hồ chúng tôi có mặt tại quán, hễ một vị khách ra lại có người mới vào, cô nhân viên lại bấm giờ để ghi sổ từ lúc bắt đầu cho tới khi hoàn thành. Theo lời của các nhân viên ở đây, khách nữ tới cửa hàng cũng có nhưng ít hơn cánh đàn ông. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả họ đều rất hài lòng khi ra về.
Cửa hàng Chấy luôn nhộn nhịp khách hàng. |
Đang ngồi ghế chờ đến lượt mình, anh Nguyễn Viết Đồng, một khách hàng của cửa hàng Chấy chia sẻ với chúng tôi: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi tìm đến quán này để nhổ tóc bạc. Như một thói quen, cứ một tháng tôi lại đến đây nhổ tóc bạc một lần. Nhổ tóc bạc không phải để làm đẹp, trên đầu có nhiều tóc bạc rất ngứa và khó chịu, tôi không đi nhổ tóc là không chịu được”.
Khi được hỏi tại sao không nhờ vợ, con nhổ tóc bạc mà phải ra quán, anh Đồng cho hay: “Trước đây, khi chưa có dịch vụ này, mỗi khi đi làm về lại nhờ con cái, nhiều lúc chúng nó cũng phát chán. Thật ra, bí quá nên phải nhờ chứ vợ, con làm sao mà biết nhổ, và có phải nhổ chuyên nghiệp như ở đây đâu”.
Mới đầu, nhìn cách làm của những nhân viên nhổ tóc bạc, chúng tôi cứ nghĩ đây là một việc đơn giản, ai cũng làm được. Tuy nhiên, khi bắt tay vào để thử, chúng tôi mới thấy không hề đơn giản chút nào. Quả thực, đây là một nghề cũng lắm công phu. Những người làm nghề này phải kiểm tra tóc bạc, phân loại tóc khi đó mới tìm đến cách nhổ thích hợp.
Một nhân viên ở đây cho hay: “Mình phục vụ khách hàng theo giờ, nếu không biết cách tìm và nhổ tóc, thời gian kéo dài trong khi chỉ nhổ được một ít tóc bạc thì sẽ mất lòng khách lắm. Nếu như vậy, lần sau họ sẽ không đến nữa, họ sẽ nghĩ là mình cố ý kéo dài thời gian để chặt chém tiền”.
Khách hàng đến đây phần lớn là những người ở độ tuổi trung niên. Có người đến nhổ tóc để tìm sự yên tĩnh, thư thái, có vị khách lại đến vì thích tếu táo trò chuyện.
Chị Trần Thị Hạnh, một người quản lý trong quán tâm sự: “Không ít người chỉ mới vào làm được một, hai ngày thì bỏ vì quá mỏi mắt, mỏi tay. Phải những người thật yêu nghề, có tính tỉ mỉ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Mới đầu ai làm không quen sẽ tỏ ra chán nản, tuy nhiên, làm lâu sẽ thấy đây là một nghề rất thú vị”.
Theo chị Hạnh, trong quá trình nhổ tóc cho khách hàng, nếu mình chỉ tập trung vào nhổ tóc bạc cho nhanh xong thì họ rất nhàm chán và thậm chí khách sẽ ngủ gật. Để tránh tình trạng này, mỗi nhân viên khi phục vụ khách hàng đều phải vui vẻ, biết cách tiếp chuyện và thậm chí biết nói tếu táo, bông đùa.
Mỗi khách hàng khi đến đây đều được phục vụ một cách chu đáo, phần lớn họ là những khách quen, khách ruột của cửa hàng. Tất nhiên, vẫn có nhiều người mới, người lạ thấy dịch vụ nhổ tóc bạc hay, thú vị nên đã đến tìm hiểu và thử. Lúc đầu có vẻ ngại nhưng sau vài lần thì đã thành thói quen.
“Giá của một giờ nhổ tóc bạc tại quán Chấy cũng tương đối hợp lý với 100.000 đồng. Nếu nhổ không hết một tiếng, cửa hàng tính giá 30.000 đồng cho 15 phút đầu và 10.000 đồng cho năm phút tiếp theo. Mỗi ngày, bình quân cửa hàng tiếp đón trên chục khách. Khách hàng ở đây cũng nhiều loại, tùy vào đầu từng người, có những khách hàng phải nhổ đến mấy tiếng liền mới xong. Tuy nhiên, cũng có khách hàng chỉ trong vòng 30 phút hoặc gần một tiếng là đã hết tóc bạc", chị Hạnh cho biết thêm.
Nhổ tóc bạc tưởng chừng là... nghề mờ ám
Anh Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1980), chủ cửa hàng này cho biết: "Trước khi bước vào nghề này, cả gia đình ai cũng ngăn cản, nhưng tôi vẫn quyết làm".
Đến nay, anh Dũng đã có hai cơ sở nhổ tóc bạc. Anh Dũng cho biết, ngày cao điểm quán có 15 đến 20 khách. Hiện cả hai cửa hàng có tám nhân viên.
Nhiều nam thanh niên cũng đến nhổ tóc bạc. |
Theo anh Dũng, khó khăn ban đầu khi mở dịch vụ này là từ việc tiếp thị đến việc làm thế nào để có khách hàng, làm khách hàng biết đến quán mình nhiều hơn.
Anh Dũng kể: "Hồi đầu đi thuê nhân viên cũng đã khó, tôi phải tìm người quen và hứa hẹn mãi mới được. Bởi cái nghề này ở Việt Nam rất mới, nhiều người nghĩ đây không phải là một nghề, thậm chí nhiều người đến phỏng vấn sau đó “chuồn” mất tăm".
“Có lẽ họ nghĩ rằng đây là một nghề mờ ám”, anh Dũng cười nói.
"Với những khó khăn, vất vả ngay từ đầu, nhưng xác định bỏ tất cả để sang một nghề mới thì luôn phải cố gắng. Thời gian đầu mất ăn mất ngủ, có những đêm về chỉ nghĩ làm sao để cho cửa hàng tồn tại được là thấy thành công rồi, chứ không nghĩ sẽ kiếm được bao nhiêu", anh Dũng chia sẻ.
Sau một thời gian mở cửa, cửa hàng đã có những khách hàng quen. Cứ 1 - 2 tuần, họ lại tìm đến với cửa hàng để nhổ tóc bạc, hứa hẹn đây sẽ là một nghề dịch vụ đầy tiềm năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.