Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ ngày Bác ra đi ''tìm hình của nước''

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn| 15/06/2021 10:10

(HNNN) - Ngày 5-6-1911 cũng chỉ là một ngày trong luật tự nhiên của tạo hóa, nhưng lịch sử Việt Nam mãi mãi nhớ ghi, bởi vì vào đúng ngày ấy, trong bối cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than đói khổ dưới ách thực dân - phong kiến, một người con ưu tú của đất Việt đã rời bến Cảng Nhà Rồng để ra đi “tìm hình của nước” (Chế Lan Viên), để từ đó vạch ra con đường cứu nước, cứu dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài để tìm đường cứu nước, cứu dân. Ảnh: Tư liệu

1. Ngày ấy, thôi thúc bởi thực tế lịch sử lúc đó các phong trào yêu nước liên tiếp bị thất bại. Trần Quý Cáp bị thực dân xử tử. Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo. Vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội không thành công. Đông kinh Nghĩa thục bị đóng cửa và nhiều người lãnh đạo bị bắt. Phong trào Duy Tân bị đàn áp. Quân Pháp mở cuộc tấn công cuối cùng vào căn cứ của Hoàng Hoa Thám. Giai cấp phong kiến không còn đủ sức tập hợp lực lượng nhân dân chống lại quân thù.

Cách mạng Việt Nam đang trải qua những năm tháng khủng hoảng cả về lý luận, đường lối và phương thức. Nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên của Bác Hồ lúc đó) không bi quan trước thời cuộc. Anh nhìn thấy ở đấy sức quật khởi của đồng bào, truyền thống bất khuất của dân tộc và sự thôi thúc tìm đường cứu nước. Và, thực tế lịch sử của hơn một thế kỷ qua đã khẳng định đó là ngày có tính quyết định đối với lịch sử cách mạng nước ta. Sau này, Bác đã trả lời một nhà báo Mỹ về quyết định của mình thuở ấy: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Ngày ấy, ngày Bác ra đi cũng đã được những người ruột thịt trong gia đình khích lệ, như có thể thấy trong bức thư (viết theo thể bài thơ) của bà Nguyễn Thị Thanh gửi vào Huế năm 1906 cho 2 em trai (Bác Hồ và ông Nguyễn Sinh Khiêm): “... Sầu nước héo gan/ Thờ vua khô dạ/ Em ơi có rõ/ Chị sống một thân/ Giữ nếp thanh bần/ Mà không dốt nát/ Chị đã học được/ Chữ mới như em/ Nghe lời Giải San/ Chị vô hội kín/ Hai em đã lớn/ Nhiều chữ gần cha/ Ắt là tìm ra/ Con đường cứu nước”.

2. Bắt đầu từ ngày đó, trong suốt 30 năm ròng bôn ba khắp chân trời góc bể, Bác Hồ đã đi nhiều nơi trên thế giới, làm nhiều nghề để sống và hoạt động: Làm phụ bếp, quét tuyết, thợ ảnh, bán báo... “Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!” (Chế Lan Viên), đi đến đâu lòng Bác cũng quặn đau trước cảnh người dân thuộc địa bị hành hạ, khinh miệt, bị áp bức, bóc lột đến tận xương tủy, như nhân dân đất nước của Người. Ở ngay các nước mà bọn đế quốc vẫn tự gọi là văn minh, có biết bao nhiêu người nghèo khổ, thất nghiệp, lưu manh, gái điếm... và những cảnh bất công tàn bạo, giết người thật là ghê tởm.

Từ đó, Người đã rút ra kết luận là tất cả chủ nghĩa đế quốc Pháp, Anh, Mỹ đều như nhau, đều bóc lột tàn nhẫn giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân lao động ở chính quốc lẫn thuộc địa, nhưng “để che đậy sự xấu xa của chế độ áp bức bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang bằng những câu châm ngôn lý tưởng, bác ái, bình đẳng”. Điều đó được minh chứng bằng những dòng ghi cảm tưởng của Người khi đến thăm tượng Nữ thần Tự do: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.

Như người đi đường đang khát gặp nước, Người đã gặp Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc cách mạng mà Người nhận thấy: “Nước Nga có chuyện lạ đời/ Biến người nô lệ thành người tự do”. Người đã gặp Lênin qua tác phẩm nổi tiếng “Đề cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng thế giới. Người đã chào đón Cách mạng Tháng Mười - bình minh của loài người và Người đã quyết tin theo Lênin và Cách mạng Tháng Mười.

Để thực hiện quyết tâm đó, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, và thế là Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đã sáng lập ra “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tích cực hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.

Từ Liên Xô, Người trở về Trung Quốc, tham gia cao trào cách mạng Quảng Châu, thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở châu Á”. Ở Quảng Châu, Người mở nhiều lớp huấn luyện thanh niên, tổ chức ra Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Và ngày 3-2-1930, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương, một đảng vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lênin, liên hệ mật thiết với quần chúng công nông, người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta.

3. Thế là cuộc xuất dương của Người vào ngày 5-6-1911 đã giúp Người là người Việt Nam đầu tiên tìm được đường lối cách mạng đúng đắn và thiết thực, sáng lập Đảng Cộng sản để chấp hành đường lối đó.

Sau 30 năm bôn ba xứ người, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhân dân viết nên những trang sử vàng son cho dân tộc, cho đất nước. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trở thành nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nhà nước của dân, do dân, vì dân, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và xây dựng xã hội tiên tiến công bằng, nhân đạo, không có người bóc lột người. Đó là những điều Bác cần, những điều Bác muốn trên con đường tìm phương cứu nước của Bác được thực hiện.

Ngày 7-5-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân ta bắt tay vào khôi phục kinh tế đưa miền Bắc tiến lên CNXH và đặt cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, giang sơn Việt Nam thu về một mối, cả nước cùng đi lên CNXH, điều ham muốn tột bậc của Bác được thực hiện: Nước được hoàn toàn độc lập, dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành.

Và Người đã cùng nhân dân làm trọn sứ mệnh lịch sử trong thế kỷ XX, như Người từng mong ước, căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Và Người đã vạch ra cho dân tộc, cho nhân dân, cho đất nước hành trang: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Đất nước tiến vào thế kỷ XXI với hành trang ấy, tự nhiên ta thấy vinh quang vĩ đại là hàng trăm triệu trái tim tự do và khối óc được giải phóng, hàng trăm triệu người Việt Nam trưởng thành đứng vững trên hai chân và ngẩng cao đầu để tiến lên trong độc lập tự do, trong ấm no hạnh phúc, tự nhiên ta thấy ý nghĩa lớn lao của sự kiện - như nhà sử học Italia Pêrugia nói rất đúng về ngày ra đi ấy của Bác Hồ: Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác; lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình, trong quá trình đó, Người là một nhân vật sáng tạo, quyết định. Và đúng như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhắn lại cho đời sau: “Hồ Chí Minh tiên sinh/ Người yêu mến của chúng ta/ Bậc chí sĩ chân chính yêu nước/ Nhà cách mạng lão luyện chuyên gia/ Chân du lịch khắp cả toàn cầu/ Tầm con mắt trông cao tột bậc/ Nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ ngày Bác ra đi ''tìm hình của nước''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.