Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại 1 tháng triển khai chủ trương hoán đổi trái phiếu đến hạn thanh toán lấy tài sản

Kim Ngân| 05/04/2023 13:02

(HNMO) - Đầu tháng 3-2023, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến hạn thanh toán có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để trả gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Qua một tháng triển khai, thực tế ở phía Nam cho thấy chính sách này đã bước đầu đạt hiệu quả.

Chủ trương cho phép hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp với tài sản bước đầu tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính sách kịp thời

Ngày 5-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (Nghị định 08); có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023. 

Theo đó, đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, khi doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi bằng đồng Việt Nam như đã thống nhất, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán các khoản này bằng tài sản khác đúng quy định của pháp luật. 

Nhà đầu tư pháp nhân đã thỏa thuận hoán đổi trái phiếu với tài sản của doanh nghiệp phát hành.

Thực hiện quy định này, Công ty Dallas Vietnam Gamma Ltd (doanh nghiệp đầu tư trái phiếu) đã thống nhất với bên phát hành trái phiếu là Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Thành Nhơn và Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Mũi Né (các công ty thành viên của Tập đoàn NovaLand) để quy đổi số trái phiếu đã mua thành một phần vốn góp/cổ phần trong 2 công ty nêu trên.

Chủ trương trên đã phần nào gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm này. Theo VNDirect, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng. Khoảng 63% trong số này đến kỳ đáo hạn vào quý II và III-2023. Riêng số trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 43% tổng giá trị phải đáo hạn năm 2023. 

Danh mục trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong năm 2023.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, Nghị định 08 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp; làm tăng "niềm tin" cho thị trường và nhà đầu tư.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10-11-2021, trong đó có điều khoản cho phép ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp, với một số điều kiện nhất định.

Đề xuất tăng thêm hiệu quả

Cũng theo HoREA, sau khoảng 1 tháng triển khai, Nghị định 08 cho thấy mới chỉ quy định cơ chế thương lượng thỏa thuận giữa doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và nhà đầu tư. Việc thành công hay không hoàn toàn dựa vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và trái chủ.

Điển hình, ngày 15-3-2023, là ngày đến hạn thanh toán khoản lãi và gốc gần 120 tỷ đồng của lô trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trong lô trái phiếu có tổng giá trị 2.300 tỷ đồng, được Công ty Nova Thảo Điền phát hành, có kỳ hạn 5 năm với lãi suất 10,5%/năm. Tuy nhiên, công ty không có nguồn tiền chi trả. Theo hợp đồng, bên phát hành sẽ phải mua lại trước hạn trái phiếu.

Nova Thảo Điền đang đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu về hình thức và thời gian thanh toán trễ hạn.

Nova Thảo Điền đưa ra 2 đề xuất với trái chủ. Một là, đổi ngày đáo hạn từ ngày 5-9-2027 lên 15-3-2025. Hai là, đề xuất không tuyên bố sự kiện vi phạm, không áp dụng tiền lãi phạt chậm trả của phần tiền lãi trái phiếu chưa được tổ chức phát hành thanh toán. Đổi lại, trái chủ có 2 lựa chọn: Tiếp tục sở hữu trái phiếu với phương án thanh toán gốc lãi trái phiếu là thanh toán 20% tiền lãi trái phiếu mỗi kỳ và 80% tiền lãi còn lại thanh toán một lần vào ngày đáo hạn 15-3-2025; lãi suất nâng lên 11,5% năm. Hoặc tổ chức phát hành đề xuất phương án thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản. Người sở hữu trái phiếu sẽ liên hệ trực tiếp với tổ chức phát hành. 

Anh Hoàng Đức Thanh, ngụ tại đường số 1, khu phố Thảo Điền, phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức), cho biết: “Tôi là nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua trái phiếu bằng tiền mặt, giờ mong được hoàn trả bằng tiền mặt. Nếu phải nhận tài sản thì khó khăn nhất là khâu định giá tài sản vào thời điểm hiện tại, tránh việc tài sản đó đã bị “thổi giá” cao. Đây là việc không dễ dàng”.

Xuất phát từ việc mong muốn hệ thống ngân hàng tham gia giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với trái chủ, nhất là trái chủ nhỏ lẻ, HoREA đề xuất 2 nội dung: 

Một là, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất (tài sản thế chấp) được vay tái cấu trúc không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành. 30% còn lại, doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.

Hai là, cho các doanh nghiệp được giãn tiến độ trả nợ theo chủ trương của Chính phủ; thí điểm cho doanh nghiệp bất động sản được vay tín dụng đối với dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay với lãi suất hợp lý; cho doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án có đủ yếu tố pháp lý, nhưng có thể chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. 

Theo HoREA, ngoài việc giúp doanh nghiệp gỡ khó, quy định này còn giúp các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại gặp thuận lợi trong xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp là dự án bất động sản.

Theo một số chuyên gia, hệ thống ngân hàng cần vào cuộc, tạo dòng tiền để các bên tái cơ cấu danh mục đầu tư, mới giải quyết triệt để "nút thắt" trái phiếu.

Cũng có một đề xuất tương tự, chuyên gia kinh tế Hoàng Lương (thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: Nếu chỉ hoán đổi tài sản tương ứng khoản tiền đã đầu tư thì cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trái phiếu vẫn thiếu tiền mặt để tái đầu tư. Cần tạo nguồn biến tài sản thành “tiền tươi” như các hệ thống ngân hàng đã cùng VAMC (Công ty Quản lý tài sản Việt Nam) “hóa giải” nợ xấu bất động sản trong giai đoạn 2011-2014.

“Khi đó, Ngân hàng Nhà nước phát hành trái phiếu đặc biệt cho các ngân hàng thương mại, thông qua đó “bơm” thanh khoản vào thị trường tiền tệ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản chỉ biết trông chờ hệ thống ngân hàng nới room tín dụng, một phương án khó có thể duy trì lâu dài”, ông Hoàng Lương nhận định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 1 tháng triển khai chủ trương hoán đổi trái phiếu đến hạn thanh toán lấy tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.