Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc nảy sinh từ thực tế

Hà Phong| 24/03/2012 06:24

(HNM) - Theo nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định khá chi tiết về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Mang tiếng oan

Huyện Phú Xuyên phản ánh, pháp luật quy định khi đăng ký khai sinh mà không có giấy chứng sinh, không có người làm chứng thì bố mẹ phải cam đoan việc sinh con là có thực. Nếu cán bộ tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Quy định này một mặt tạo thuận lợi cho công dân song lại ảnh hưởng đến việc đối chiếu hồ sơ lưu trữ, kéo dài thời gian xử lý. Vì bộ phận "một cửa" tiếp nhận hồ sơ nhưng cán bộ tư pháp mới là người trực tiếp giải quyết, phần lớn các trường hợp đều phải đi xác minh trước khi trả kết quả, trong khi khối lượng công việc của lực lượng này hiện đã quá tải.

CBCS Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hai Bà Trưng nhận hồ sơ làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Ảnh: Huyền Linh

Tương tự, theo Nghị định 158, công dân đăng ký lại khai sinh tại nơi có hộ khẩu thường trú mới, nếu xuất trình được giấy khai sinh cũ thì không cần phải xác nhận của nơi đăng ký khai sinh trước đây. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh những trường hợp có giấy khai sinh nhưng không có tên trong sổ đăng ký do quy trình cấp giấy khai sinh trước đây không chuẩn hoặc cấp tùy tiện. Để bảo đảm cho việc đăng ký lại chính xác, cán bộ tư pháp vẫn phải thẩm tra nên đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục cho công dân, gây không ít khó chịu cho bà con. Nhiều người không hiểu, lại thiếu thiện chí đã cho rằng lực lượng chuyên trách cố tình gây khó dễ, chính quyền địa phương cải cách hành chính theo mô hình "một cửa nhiều khóa".

Vướng mắc thứ ba là việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra không phải ở Việt Nam, cha hoặc mẹ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài và đứa trẻ sinh ra ở một nước thứ ba không phải nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cha hoặc mẹ là người nước ngoài mà là nước họ đang làm việc. Ví dụ, nữ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh X. sang Cộng hòa Séc để kinh doanh và kết hôn với một người Trung Quốc đang làm việc ở Cộng hòa Séc, đã đăng ký kết hôn tại tỉnh X., vậy con của họ được sinh ra ở Cộng hòa Séc thì sẽ đăng ký khai sinh cho đứa trẻ ở đâu? Đây là vấn đề đã xảy ra nhưng chưa có hướng dẫn, do vậy các địa phương rất lúng túng khi công dân có yêu cầu.

Kiến nghị đổi mới mô hình quản lý hộ tịch

Qua khảo sát của Hànộimới, những trường hợp như trên không hiếm trên địa bàn Hà Nội, nhưng pháp luật về hộ tịch chưa điều chỉnh, khiến cơ quan tư pháp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết yêu cầu của người dân. Do đó, Bộ Tư pháp cần sớm có giải pháp điều chỉnh những tình huống nảy sinh trong cuộc sống để bảo đảm quyền lợi của cả người dân và chính quyền địa phương.

Theo cơ quan tư pháp quận Ba Đình, ngay cả mô hình quản lý hộ tịch ở 4 cấp và giao cho 3 cấp đăng ký (tỉnh, huyện, xã) như hiện nay cũng cần xem xét lại. Bởi quy định cấp tỉnh giải quyết một số việc về hộ tịch sẽ dẫn đến tình trạng quá tập trung vào chuyện của cấp mình mà lơ là nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn về công tác hộ tịch ở cấp dưới. Chưa kể việc quy định mô hình cơ quan đăng ký 3 cấp đã gây khó khăn, phức tạp cho người dân trong việc xác định thẩm quyền đơn vị xử lý và thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, nếu để mô hình một cấp xã đăng ký thì sẽ quá tải vì mỗi xã, phường chỉ có một cán bộ tư pháp hộ tịch, trình độ thường hạn chế, nên mới chỉ giải quyết tốt các trường hợp đăng ký thủ tục hộ tịch đơn giản. Trường hợp thủ tục phức tạp hơn nên giao cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND cấp huyện giải quyết để có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu.

Từ phân tích kể trên, quận Ba Đình đề xuất nên thực hiện mô hình đăng ký hộ tịch ở hai cấp (cấp huyện, cấp xã) để vừa giảm tải bớt áp lực công việc cho cơ sở vừa bảo đảm đối với các trường hợp thủ tục đăng ký hộ tịch phức tạp sẽ có cơ quan chuyên môn giúp việc UBND huyện xem xét hỗ trợ.

Cùng với mô hình đăng ký hộ tịch hai cấp, quận Ba Đình cũng đề xuất xây dựng chức danh hộ tịch viên trên cơ sở tách riêng công tác hộ tịch khỏi công tác tư pháp. Việc xác định rõ chức danh cũng như tiêu chuẩn hộ tịch viên sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý trong quá trình đào tạo, bổ nhiệm cũng như xây dựng chế độ chính sách đối với lực lượng này; đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của họ để nâng cao chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc nảy sinh từ thực tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.