Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vấn đề “nóng” được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

Sơn Khánh Nga| 02/05/2019 11:59

(HNMO) - Sáng nay (2-5), tại Hà Nội, đại diện Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia, nhà quản lý và hơn 2.500 doanh nghiệp đã tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.


Diễn đàn có chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TƯ của Hội nghị TƯ 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì, chỉ đạo tổ chức. Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng nay các đại biểu tập trung bàn thảo về 6 nội dung kinh tế chuyên biệt, gồm: Du lịch, kinh tế số, hiệp định CPTPP, vốn - tài chính, nông nghiệp, khởi nghiệp.

Tại hội thảo “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đề nghị các đại biểu, doanh nghiệp tập trung thảo luận về 4 nhóm vấn đề: Đột phá đổi mới thể chế, chính sách, pháp luật; Phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; Đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp. Dự báo, giá trị do các hoạt động kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt 30 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tăng lên 160 tỷ USD nếu vận dụng tốt cơ hội, ứng dụng tốt các điều kiện do kinh tế số mang lại trong 20 năm tiếp theo.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết: Quan trọng nhất là phải tập trung vào khâu thực hiện triển khai hoạt động kinh tế số vì trên thực tế vẫn còn khoảng cách giữa công tác hoạch định, định hướng phát triển và chỉ đạo của các cơ quan quản lý với diễn biến thực tế. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia kinh tế số, nhất là từ phía cơ quan chức năng. Thời gian tới, cần làm tốt việc pháp lý hóa, các quy định đồng bộ để quản lý hoạt động kinh tế số cũng như xác định rõ yêu cầu hoàn thiện thể chế, tiến độ thực hiện phát triển kinh tế số tại Việt Nam.


Tại hội thảo “Chủ động khai thác có hiệu quả CPTPP để bứt phá”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: CPTPP mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển. Hội thảo dành phần lớn thời gian cho đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đối thoại chính sách, trao đổi về cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP, nhất là trong ngành dệt may, da giày, thép, nông nghiệp, giao thông, vận tải, logistics, công nghiệp phụ trợ...

Tại hội thảo “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho hay, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII, cơ chế, chính sách và khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, tạo động lực cho kinh tế tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn.

Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tăng nhanh trong 2 năm gần đây, song vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong các doanh nghiệp cả nước. Nông nghiệp vẫn do kinh tế hộ làm chủ đạo, quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp... Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.

Tại hội thảo “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì nhấn mạnh: Một trong những cách ứng phó phù hợp được Việt Nam đưa ra là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up), trong đó chú trọng đến doanh nghiệp tư nhân. Thời gian qua, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng gia tăng. Cả nước đã có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh, cũng như đã hình thành một số quỹ đầu tư mạo hiểm để phục vụ các start-up như: Quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup, Quỹ Startup Việt Partner, Vườn ươm công nghệ cao Hòa Lạc,... Các thương vụ đầu tư vào start-up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gần 3 lần so với năm 2017. Tuy nhiên, môi trường cho khởi nghiệp tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, liên quan đến chính sách đầu tư, vấn đề thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm...

Tại hội thảo “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cho biết, trong năm 2018, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm; đóng góp trên 6,8% GDP. Kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng, sức cạnh tranh không ngừng được cải thiện, bước đầu hình thành một số tập đoàn lớn. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Để phát triển ngành Du lịch, cần được tháo gỡ các rào cản để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động trong ngành Du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, Chính phủ đang ưu tiên du lịch thành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành khác. Theo đánh giá của các chuyên gia, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực. Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước. Số tiền khách chi tiêu 96 USD/ngày trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các đề xuất như: Thực hiện chính sách linh hoạt như miễn thị thực trong các dịp có sự kiện lớn; cần có sản phẩm thương mại quốc gia; đầu tư hạ tầng...


Tại hội thảo “Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Hệ thống tài chính, ngân hàng tiếp tục được củng cố, cơ cấu lại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn, dịch vụ tài chính, ngân hành cho nền kinh tế. Kinh tế tư nhân có điều kiện tiếp cận bình đẳng, thuận lợi với các nguồn vốn chính thức. Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so với GDP là hơn 130%, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010- 2020...

Tuy nhiên, đến nay hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế- xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển... Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về các vấn đề: Khơi thông tín dụng trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; phát triển mô hình quỹ hưu trí tự nguyện và mô hình quỹ đầu tư bất động sản.

Tại tọa đàm về nữ doanh nhân với chủ đề “Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng”, các đại biểu đã nghe một số nữ doanh nhân chia sẻ về hoạt động kinh doanh, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp và khát vọng hướng tới tương lai...

* Chiều nay (2-5), hội thảo sẽ diễn ra phiên toàn thể với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vấn đề “nóng” được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.