(HNM) - Đến sáng 5-8, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu tại bãi biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) vào đêm 2-8 đã kết thúc.
Cơ quan chức năng nói gì?
Vụ lật tàu khách làm 9 người tử nạn tại bãi biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đã kết thúc vào sáng 5-8, khi thi thể cuối cùng được tìm thấy. Tuy nhiên, bên cạnh bài học đắt giá và sự mất mát to lớn về tinh thần không có gì bù đắp nổi cho gia đình và người thân nạn nhân thì dư luận vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng. Cụ thể, thông tin ban đầu từ anh Nguyễn Văn Cương (người sống sót trong vụ chìm tàu) thì khoảng 19h tối 2-8, khi tàu chìm, anh đã gọi điện cầu cứu nhiều nơi. Đến hơn 1h sáng, tức 6 giờ sau khi tàu chìm, lực lượng cứu hộ đến nơi, cứu sống được 21 người. Nhưng tại sao phải hơn 6 giờ đồng hồ sau vụ tai nạn tàu cứu hộ cứu nạn mới tiếp cận được hiện trường? Tại sao hai tàu khác đi cùng tàu H.29 phát hiện bị nạn nhưng không quay lại cứu? Trách nhiệm các đơn vị liên quan ra sao?
Khoảng 8h30 ngày 5-8, tàu SAR-413 đưa nạn nhân xấu số cuối cùng về với gia đình. |
Trả lời chất vấn của Báo Hànộimới, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho hay, theo nhật ký hành trình cứu nạn thì khoảng hơn 21h ngày 2-8, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu mới nhận được tin báo từ anh Tuấn - thuộc Công ty CP Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina báo có phương tiện thủy bị chết máy tại Cần Giờ và nhờ hỗ trợ lai dắt. "Đặc biệt trong báo cáo đó đã không nêu rõ tàu đã bị lật, trong khi thực tế khoảng 19h tàu H.29 đã bị lật hoàn toàn", ông Chiến nêu rõ. Ngay sau khi nhận tin, Trung tâm 3 đã báo cho Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh. Sau đó, đến 22h, Cảng vụ Vũng Tàu đã điều tàu SAR 272 của MRCC Vũng Tàu đi làm nhiệm vụ, đồng thời điều động tàu của Cảng vụ Vũng Tàu 02 và một số tàu dịch vụ cùng các tàu gần khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Như vậy chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút kể từ khi nhận được tin báo tàu cứu hộ đã có mặt tại hiện trường.
Theo ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm 3, từ điểm tàu cứu hộ cứu nạn xuất phát đến chỗ tàu bị nạn khoảng 20 hải lý (gần 40km), riêng chạy trong luồng (14 hải lý) cũng đã mất 1 giờ đồng hồ. Chưa kể hôm đó thời tiết xấu, sóng lớn, địa điểm tàu bị nạn lại cạn nếu tiếp cận sai quy trình sẽ dễ bị mắc cạn. Điều đáng nói là khi ra khỏi luồng, nguyên tắc là tàu phải đi chậm vì ngay từ đó đến tàu gặp nạn có thể coi là hiện trường. Thế nên việc tàu cứu hộ đến nơi chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút là nhanh hơn dự kiến. Dù tàu SAR 272 của Trung tâm 3 đến chỗ tàu bị nạn nhanh chóng lúc gần khuya 2-8, nhưng phải hơn 1 giờ sau đó tàu mới cứu được 3 người đầu tiên. Lý giải về điều này, ông Hiển cho hay, thời điểm xảy ra gặp nạn vào ban đêm, thời tiết lại mưa gió, đặc biệt tàu cứu nạn là loại tàu lớn, trong khi địa điểm bãi biển Cần Giờ nơi bị nạn lại là bãi bồi, mực nước cạn hơn mức bình thường, thậm chí độ sâu có nơi khoảng 1m, do đó nếu tiếp cận không đúng tàu cứu nạn cũng dễ cùng chung số phận với tàu bị nạn. Chưa kể, cần phải có sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan mới tiếp cận được nhanh như vậy. Trong khi, điều kiện trang thiết bị của lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn còn nhiều hạn chế, nếu không có nghiệp vụ tốt và làm việc quên mình của thành viên lực lượng cứu hộ cứu nạn thì kết quả không thể được như vậy.
Vấn đề liên quan, theo ông Chiến, dù hai tàu đi cùng tàu bị nạn phát hiện ra tàu H.29 bị nạn nhưng không thể quay lại trợ giúp do tính ra số lượng hành khách trên hai tàu này cũng xấp xỉ 40 người. Nếu hai tàu kia trở lại cứu trong điều kiện thời tiết xấu và ở nơi bãi cạn như trên thì kết quả chẳng những không khả quan mà có thể sẽ thảm khốc hơn. "Nguyên tắc của cứu hộ cứu nạn trước hết phải bảo đảm an toàn cho người cứu nạn sau đó mới cứu nạn và trong trường hợp này không thể trách hai tàu kia", ông Chiến cho biết.
Đánh giá về quá trình cứu hộ cứu nạn của các tàu, ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận xét, lực lượng cứu hộ đã làm việc quên mình dù khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Kết thúc đợt cứu hộ cứu nạn, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã trực tiếp đến động viên các anh em thủy thủ và thưởng "nóng" tàu SAR 272 và SAR 413 với số tiền 20 triệu đồng. Còn đối với hai tàu ngư dân tìm ra hai xác nạn nhân cuối cùng sáng 5-8 cũng được Cục Hàng hải thưởng mỗi tàu 10 triệu đồng, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Sẽ làm rõ mọi uẩn khúc
Theo đại tá Đào Quang Hiển, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu vực Cồn Ngựa (bãi biển Cần Giờ) trước đó là địa bàn chuyên hút cát, nếu tàu bè đi lại không thông thạo sẽ dễ gặp tai nạn và khi bị mắc cạn chỉ vài đợt sóng tàu sẽ lật. Đại tá Hiển cho biết, sẽ xác minh lại mọi thông tin để có kết luận đúng đắn, khách quan và chính xác nhất. Hiện nay đơn vị đang tiến hành kiểm tra, xác minh lại địa điểm xuất phát của tàu. Trước mắt cho thấy, tàu đi tránh và ngoài tầm khu vực kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh, cần minh bạch rõ ràng, không che giấu bất cứ thông tin gì, từ đó có thông tin đầy đủ và rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc đau lòng này. "Trước mắt sẽ tập hợp các đơn vị lại để chỉ ra cái được và không được. Ví dụ tại sao thông tin tai nạn đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 lại chậm như thế? Chậm do đoạn nào? Do ai? Do chủ tàu hay đơn vị quản lý phương tiện hay một đơn vị nào khác nữa?. Chắc chắn vụ việc sẽ được điều tra làm rõ. Trong trường hợp nếu biết mà không báo sẽ bị xử lý. Trước hết sẽ làm việc với cơ quan quản lý số công nhân nói trên, họ đưa công nhân đó như thế nào? họ có nắm bắt được việc công nhân đi tàu này không? họ biết được công nhân mình bị nạn lúc gọi điện báo hay không?", ông Nhật nêu rõ. Cũng theo ông Nhật, tất cả mọi thông tin đang còn "uẩn khúc" phải được làm rõ. Tất cả những đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ việc cũng đều được xác minh và làm rõ. "Nếu vụ việc rõ về mặt trách nhiệm hình sự sẽ chuyển đến cơ quan an ninh điều tra. Trước mắt, xác minh thông tin nơi xuất bến từ tỉnh Tiền Giang dẫn đến tàu bị nạn... cũng như mọi quy trình thông tin không được bỏ sót", ông Nhật khẳng định.
Khoảng 7h30 ngày 5-8, 2 nạn nhân mất tích cuối cùng đã được tìm thấy là Nguyễn Bá Đức và Đào Mạnh Cường. Như vậy, sau 4 ngày đêm cứu hộ cứu nạn, đến nay công tác đã hoàn thành và 9 nạn nhân gồm: Nguyễn Thị Kim Hoàng (sinh năm 1993), quê Tiền Giang; Nông Thị Phin (1979), quê Bắc Cạn; Cam Hoàng Phương Khanh (1980), quê Tiền Giang; Hoàng Trung Biên (1985), quê Thái Bình; Trần Hữu Hiệp (1988), quê Thanh Hóa; Hà Tiến Sơn (1988), quê Phú Thọ; Phạm Duy Phúc (1958), quê Quảng Bình; Nguyễn Bá Đức (1983), quê Thanh Hóa và Đào Mạnh Cường (1985), quê Thái Bình. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.