(HNM) - Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (TT HTTL) nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cấp, ngành, của giới khoa học và cộng đồng trong nước, quốc tế song những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở di tích này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Khách tham quan điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Mạnh Hùng |
Tại hội thảo "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nhìn từ Hoàng thành Thăng Long" diễn ra ngày 23-11, một lần nữa giới nghiên cứu chỉ rõ: Việc bảo tồn di sản Khu TT HTTL không thể tách rời quá trình phát triển.
Phục dựng một số di tích, lễ hội tiêu biểu?
Những giá trị độc đáo của Khu TT HTTL đã được khẳng định. Tuy nhiên, di tích nằm giữa khu vực đô thị phát triển bậc nhất của Thủ đô, xung quanh có nhiều công trình kiến trúc quan trọng nên quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của di tích khó tránh khỏi sự xung đột với các công trình, di tích khác. Dưới lòng di tích, các tầng văn hóa từ thời Đại La cho đến thời Lê, Nguyễn chồng xếp, đan xen lẫn nhau, rất khó xác định và bóc tách khiến cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ vốn đã khó lại càng thêm khó. Trên bề mặt, hệ thống đền đài, cung điện của các vương triều còn lại rất ít, thay vào đó là những công trình mang dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIX, XX nên nhiều năm qua, việc phục dựng hay không phục dựng một số di tích, lễ hội tiêu biểu, việc bảo quản và giới thiệu hiện vật khai quật như thế nào để làm rõ hơn "hình hài" của di sản nhận được ý kiến nhiều chiều của dư luận.
Tại hội thảo này, ông Inoue Kazuto, Trường Cao học Đại học Meiji (Nhật Bản) nhận định, Khu TT HTTL có nhiều nét tương đồng với di tích Cung Heijo (DSVH TG năm 1998) của Nhật. Trước những đòi hỏi bức thiết, Nhật Bản đã tiến hành phục dựng một số công trình ở khu vực được cho là trụ sở của Cung nội sảnh, Chu tước môn (Chính môn của Cung Heijo), đình viên của Đông viện, Đại cực điện thứ nhất (kiến trúc Trung tâm của Cung Heijo)… "Di tích không phải là tài sản độc quyền của một nhà nghiên cứu hoặc của một nhóm người, mà nó là của cộng đồng cho nên chúng tôi đã tiến hành phục dựng một số công trình để có thể đưa di tích đến gần công chúng. Do cấu trúc phần trên của các kiến trúc cũ không còn nên chúng tôi đã nghiên cứu tương đối đầy đủ về cấu trúc và kỹ thuật kiến trúc thời cổ đại. Sau đó, chúng tôi tiến hành thiết kế phục dựng dựa trên việc tích lũy các kết quả nghiên cứu ở mức độ chu đáo nhất với sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực", ông Inoue Kazuto chia sẻ.
Tương tự, ông Cho. Kyuhyung (Tổng cục DSVH Hàn Quốc) cho hay: Cung Cảnh Phúc (Gyeongbokgung) là chính điện xây dựng dưới thời Joseon khi triều đại này mới được thành lập và kéo dài tới 500 năm. Trong quá trình tồn tại, cung Cảnh Phúc nhiều lần bị thiêu rụi hoặc phá hủy hoàn toàn, lần bị phá hủy gần nhất vào năm 1910. "Các công trình hiện hữu trong cung Cảnh Phúc không còn nhưng đây là nơi kết tinh văn hóa của dân tộc, là biểu tượng kết nối lịch sử của đất nước chúng tôi nên chúng tôi đã tiến hành phục dựng nó để tìm lại bản sắc và trao truyền cho thế hệ sau như là một địa danh lịch sử sống động, mang tính giáo dục sâu sắc. Căn cứ khoa học để tiến hành phục dựng cung Cảnh Phúc không còn nhiều nên chúng tôi cẩn trọng nghiên cứu từng bước một thông qua các tư liệu sách vở, qua hiện vật khảo cổ, qua ý kiến đóng góp của cộng đồng, qua các công trình có niên đại tương đương còn tồn tại. Hiện cung Cảnh Phúc là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất Hàn Quốc", ông Cho. Kyuhyung khẳng định.
Nhiều lần tham quan Nhật Bản và Hàn Quốc, GS. Lê Văn Lan thấy rằng, các công trình di tích kể trên được phục dựng khá hoàn hảo, mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Với nhiều nét tương đồng, GS. Lê Văn Lan mong muốn Điện Kính Thiên hay lễ hội Đèn Quảng Chiếu sớm được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu phục dựng để di tích Khu TT HTTL rõ hình hài hơn, di sản có cơ hội đến gần công chúng hơn.
Khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo |
Tăng cường quảng bá
Theo khảo sát của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, hầu hết giới trẻ đều biết đến Khu TT HTTL và mong muốn có cơ hội tham quan di tích, trong đó có những người đã đến thăm Khu TT HTTL một hoặc nhiều lần. Nhưng hiện tại mức độ phổ biến các giá trị của di sản HTTL đến với cộng đồng còn nhiều hạn chế khi chỉ có 4,3% số người được hỏi cho biết họ được phổ biến thường xuyên, 67,7% cho biết thỉnh thoảng họ mới nghe thấy và 28% cho biết chưa bao giờ được phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều hiện vật thu được từ các đợt khai quật khảo cổ học đến nay vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý trực tiếp là Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, gây khó khăn cho công tác trưng bày, giới thiệu hiện vật. Các hố khảo cổ sau khi tiến hành khai quật có thể phát lộ giá trị của HTTL sau một thời gian phải lấp lại để bảo đảm an toàn cho di tích. Hệ thống kho bảo quản, nhà trưng bày trong Khu TT HTTL hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật về bảo quản hiện vật…
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Inoue Kazuto gợi ý các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể phổ biến rộng rãi giá trị di sản TT HTTL bằng cách trưng bày mô hình, hiện vật, kết quả điều tra, khai quật khảo cổ kèm theo phần giải thích, thuyết minh tại nhà trưng bày hoặc có thể trưng bày các mô hình phục dựng 3D ngay tại di tích… Đây cũng là cách Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định.
Những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Khu TT HTTL thật khó có thể tìm ra giải pháp tháo gỡ trong khuôn khổ một cuộc hội thảo. Song những ý kiến góp ý thẳng thắn, sâu sắc của các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ là những gợi mở thú vị.
Năm 2010, UNESCO ghi danh Khu TT HTTL vào danh sách DSVH TG với những giá trị nổi bật toàn cầu. Đó là nơi đang lưu giữ một phức hợp di tích trên mặt đất và dưới lòng đất, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự giao thoa các giá trị nhân văn lớn trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và trung tâm châu thổ Bắc Bộ, tạo ra một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc. Tổng quan mô hình đô thị, kiểu dáng kiến trúc của di sản tiêu biểu cho sự phát triển liên tục hơn 1000 năm của một trung tâm quyền lực chính trị kiểu Châu Á... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.