Hà Nội kết nối

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều điều bất ngờ và thú vị về Di tích quốc gia đặc biệt bến Lộc An

Chí Linh 02/12/2024 - 17:21

Mời bạn đọc cùng Báo Hànộimới tìm hiểu về Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký công nhận cho một số địa phương, trong đó có bến Lộc An tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

581-202411281137371.jpg
Tuổi trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hình bản đồ Việt Nam tại di tích bến Lộc An. Ảnh: VT

Bến Lộc An nằm bên cửa sông Ray đổ ra biển. Bên phải cửa biển là xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); bên trái là xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc). Hai bên sông là rừng nguyên sinh ngập mặn nối với hệ thống rừng già rộng lớn ở thượng nguồn. Người dân vùng này có lòng yêu nước nồng nàn, nên đây là địa điểm được chọn để mở bến trên hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đầu những năm 1960, trước yêu cầu phát triển của chiến tranh cách mạng miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Trung ương cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền sau khi tổ chức thành công một số bến tiếp nhận vũ khí bằng đường biển ở các tỉnh Nam Bộ, đã tính đến mở bến ở Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa vũ khí về Đông Nam Bộ.

581-202411281137372.jpg
Bến Lộc An ngày nay là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: VT

Đầu năm 1961, Trung ương Cục miền Nam cử cán bộ về Xuyên Mộc phối hợp cùng bộ đội, dân quân du kích địa phương khảo sát địa hình, chuẩn bị bến bãi tiếp nhận vũ khí. Ban Quân sự miền Đông chỉ thị thành lập Đoàn 555. Trong số cán bộ, chiến sĩ Đoàn 555 có nhiều ngư dân vùng biển Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Bằng ý chí kiên cường, vượt gian khổ và niềm tin vào cách mạng, quân và dân địa phương nỗ lực mở bến Lộc An đúng kế hoạch, dù nơi đây sát căn cứ địch và bị kiểm soát thường xuyên.

Tháng 3-1961, Ban Quân sự tỉnh chọn người mở đường biển ra miền Bắc tiếp nhận vũ khí. Chuyến vượt biển đầu tiên xuất phát vào hạ tuần tháng 5-1961, với 4 người lên tàu từ bến Bình Châu. Thuyền đi dọc ven biển, vừa đánh cá, buôn bán dầu chai để che mắt địch, vừa nắm bắt tình hình ven biển, ngoài khơi. Đoàn bị địch bắt giữ tại Quảng Nam, nhưng phải trả tự do sau đó vì không phát hiện bất thường.

581-202411281137373.jpg
Ảnh tư liệu về má Mười Rều, người đã cùng gia đình góp công đóng con tàu không số đầu tiên ra Bắc tại bến Lộc An. Ảnh: MT

Nhận thấy không thể vượt tuyến, đoàn quyết định quay trở về Bình Châu. Chuyến vượt biển thứ hai có 6 người, bao gồm cả 4 người chuyến 1. Đoàn lên đường ngày 27-2-1962, rời bến Hồ Cốc mở đường ra Bắc. Đoàn trải qua nhiều hiểm nguy, từng bị địch bắt giữ gần 2 tháng rồi thả ra vì không có chứng cứ; từng bị gió lớn thổi dạt thuyền sang đảo Hải Nam (Trung Quốc)...

Đến tận ngày 15-5-1962, đoàn mới về đến Hà Nội, hoàn thành nhiệm vụ mở đường ra miền Bắc, được huấn luyện và phiên chế vào Đoàn vận tải 759, trực tiếp đưa những con tàu “không số”, chở vũ khí của Trung ương cung cấp cho miền Đông Nam Bộ qua bến Lộc An.

581-202411281137384.png
Đã có 3 chuyến tàu không số vào bến Lộc An. Ảnh: Quân chủng Hải quân cung cấp

Lần lượt sau đó, 3 chuyến tàu chở gần 100 tấn vũ khí các loại đã cập bến Lộc An, kịp thời cung cấp vũ khí cho các đơn vị chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, góp phần tạo nên những chiến dịch với chiến thắng mang tầm chiến lược, trong đó có Chiến dịch Bình Giã cuối năm 1964 cùng các chiến dịch quan trọng ở rừng Lá, lộ 20, Phước Long, Đồng Xoài… khiến quân Mỹ và chư hầu cùng quân đội chính quyền Sài Gòn liên tiếp bại trận.

Có thể khẳng định, việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa vũ khí, trang bị, chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ là chiến công xuất sắc của quân và dân địa phương. Năm 1995, bến Lộc An được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến hậu cần chiến lược trên Biển Đông, do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật. Tuyến đường được thành lập ngày 23-10-1961, để vận chuyển tăng cường nguồn nhân lực và vũ khí từ miền Bắc Việt Nam chi viện cho quân và dân đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam.

Suốt 14 năm hoạt động (1961-1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển hơn 100.000 tấn hàng quân sự (chủ yếu là vũ khí), cùng hàng chục nghìn cán bộ từ Bắc vào Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều điều bất ngờ và thú vị về Di tích quốc gia đặc biệt bến Lộc An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.