Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều quy định về an toàn vệ sinh lao động chưa khả thi

Vân An| 26/11/2014 17:01

(HNMO) – Thảo luận về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động chiều 26/11, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những quy định liên quan đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.


Góp ý về việc dự luật mở rộng phạm vi điều chỉnh với cả đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà – Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo cần có lý giải đầy đủ, khoa học hơn và cân nhắc việc thực hiện. Theo đại biểu, các quy định trong dự thảo mới chỉ tập trung điều chỉnh các đối tượng trong quan hệ lao động, đối tượng không có quan hệ lao động được quy định rất mờ nhạt.

“Tôi băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng quy định này vì các đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 10 lao động, chiếm hơn 60% tổng số doanh nghiệp và việc kiểm soát ATVSLĐ không đơn giản. Mong muốn để mọi người lao động được đảm bảo ATVSLĐ là tốt nhưng nếu khi triển khai không khả thi thì không những không mang lại hiệu quả mà còn có thể tạo hiệu ứng ngược”, đại biểu Hà nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng nhất trí mở rộng đối tượng điều chỉnh với người lao động không có quan hệ lao động nhưng cũng đặt dấu hỏi về tính khả thi, nhất là nguồn lực để thực hiện.

“Việc ban hành chính sách phải đi đôi với nguồn lực, nếu không có nguồn lực thì chính sách không khả thi, đôi khi còn gây bức xúc cho người dân”, đại biểu Vinh nói.



Cũng băn khoăn về tính khả thi của các điều luật, các đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Đồng Nai, Nguyễn Thanh Thảo – Đồng Tháp cho rằng, việc dự luật quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm điều tra khi tai nạn lao động xảy ra là không khả thi. Các đại biểu cho rằng, dù tai nạn nặng hay nhẹ đều phải do thanh tra an toàn vệ sinh lao động thực hiện. Đồng thời, dự luật cần bổ sung các quy định cho phép công đoàn được tham gia điều tra khi có tai nạn lao động xảy ra.

Tán thành quy định này, đại biểu Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh đề nghị, dự luật cũng cần bổ sung quyền khởi kiện của người lao động và công đoàn cơ sở khi người sử dụng lao động không thực hiện đúng các nguyên tắc về ATVSLĐ, đảm bảo sự công bằng trước pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Các đại biểu Trần Thanh Hải – TP. Hồ Chí Minh, Bùi Thi An - Hà Nội góp ý, dự luật phải đặt mục tiêu kiểm soát bệnh nghề nghiệp vì nó đeo đẳng người lao động cả đời và ảnh hưởng đến cả gia đình họ; rà soát lại các chế độ liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động làm việc trong môi trường độc hại để có quy định chặt chẽ hơn trong luật; cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp trong khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động, tránh sự nhập nhằng với khám sức khỏe định kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quy định về an toàn vệ sinh lao động chưa khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.