Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều quy định thiếu tính khả thi

Duy Biên - Yên Khánh| 02/04/2016 07:49

(HNM) - Từ ngày 2-4-2016, Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (NCC) chính thức có hiệu lực. Bên cạnh các


Ông Vũ Anh Tuấn (chung cư Sông Hồng Parkview - quận Đống Đa):
Các chung cư đều có nội quy, quy định riêng

Thời gian qua, các quy định về quản lý, vận hành NCC còn nhiều bất cập. Do đó, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2016/TT-BXD thay thế các quy định trước đây như: Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ban hành Quy chế quản lý sử dụng NCC; Thông tư số 05/2014/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý sử dụng NCC… là cần thiết.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều khoản giải quyết được nhiều vướng mắc trước đây như: Tổ chức hội nghị NCC, thời hạn bàn giao phí bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị, mua chỗ đỗ xe… thì Thông tư 02 có nhiều điều khoản liên quan tới việc quy định lối sống cho người dân như: Cấm nói tục, chửi bậy, cấm gây mất trật tự, ném đồ… tôi cho là khó khả thi. Tôi nghĩ Bộ Xây dựng chỉ nên quản những việc cơ bản, không nên đi sâu vào tiểu tiết vì các chung cư đều đã có nội quy, quy định riêng. Chung cư nơi tôi ở còn ban hành cả sổ tay chung cư với các quy định rất cụ thể.

Bà Vũ Phương Thảo (Khu đô thị Linh Đàm - quận Hoàng Mai):
Bộ Xây dựng "nhầm lẫn" chức năng, quyền hạn?

Đọc bản mẫu "Nội quy quản lý, sử dụng NCC", được ban hành kèm văn bản này, có những điều khoản liệt kê một danh sách dài các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng NCC, tôi thắc mắc rằng Bộ Xây dựng có đang "nhầm lẫn" trong việc thực hiện chức năng, quyền hạn của mình? Biết rằng, ý tốt của Bộ Xây dựng nhằm xây dựng NCC văn minh, văn hóa hơn song đây thực sự là vấn đề văn hóa, nếp sống cũng như ý thức của các cư dân. Tôi cho rằng, việc của Bộ Xây dựng là quản lý về xây dựng, vận hành liên quan đến công trình chứ không thể quản cả vấn đề văn hóa, ứng xử. Các vấn đề này cần được xây dựng thành quy ước, hương ước như việc xây dựng các khu phố văn hóa, gia đình văn hóa tại các khu dân phố.

Ông Vũ Minh Tuấn, chung cư South Tower (quận Hoàng Mai):
Khó thực hiện

Thông tư 02/2016/TT-BXD có đề cập đến việc cấm nói tục, chửi bậy ở khu chung cư. Đây là quy định khó khả thi. Chẳng hạn, tôi sống một mình nên thường xuyên rủ bạn bè đến nhà chơi, ngoài ra anh em họ hàng ở quê cũng hay lên thăm nhà. Nếu khách cứ nói tục, chửi bậy hoặc làm ồn mà bị phạt thì chẳng khác gì "làm khó" chủ nhà. Bạn bè tôi đều là thanh niên, chuyện vui đùa, trêu nghịch nhau bằng cách nói suồng sã. Bản thân chúng tôi chẳng ai cảm thấy phiền lòng về điều đó. Nhưng nếu vì thế mà bị phạt chắc tôi chẳng dám mời khách về nhà nữa. Khi về đến nhà, đó là không gian riêng của mình, chẳng lẽ vô tình văng tục cũng không được? Theo Thông tư này, quy định cụ thể từ nào là từ tục, từ bậy mới có cơ sở để xử phạt cũng chưa rõ. Hơn nữa, muốn xử phạt thì phải có bằng chứng. Không lẽ lắp camera hoặc mang máy ghi âm vào tận nhà người ta để lấy bằng chứng?

Bà Nguyễn Vân Anh (Khu tái định cư Nam Trung Yên, Cầu Giấy):
Không nên phức tạp hóa quản lý chung cư

Tại Điều 18 của Thông tư 02/2016/TT-BXD có đề cập đến việc Ban quản trị NCC, cụm NCC có nhiều chủ sở hữu được thành lập và hoạt động theo mô hình Ban chủ nhiệm hoặc Hội đồng quản trị của Hợp tác xã (HTX) hoặc mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần. Trường hợp Ban quản trị NCC được thành lập và hoạt động theo mô hình Ban chủ nhiệm hoặc Hội đồng quản trị của HTX thì việc triệu tập và tổ chức cuộc họp của Ban quản trị được thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã. Trường hợp Ban quản trị NCC được thành lập và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì việc triệu tập và tổ chức cuộc họp của Ban quản trị được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Qua nội dung trên tôi thấy, hiện nay vấn đề thành lập và hoạt động của Ban quản trị các tòa NCC đã khó khăn, nay lại càng thêm phức tạp. Như vậy, trong trường hợp Ban quản trị hoạt động theo mô hình Luật Hợp tác xã và Luật Doanh nghiệp, những người trong Ban quản trị chỉ cần dùng số tiền quỹ bảo trì 2% của người dân để sử dụng, khác nào họ "tay không bắt giặc". Thậm chí, nếu những người này có ý xấu, làm thất thoát số tiền này thì tòa nhà lấy đâu ra kinh phí để hoạt động, duy tu, bảo dưỡng. Chưa kể, khi đã tuân theo mô hình Luật Hợp tác xã và Luật Doanh nghiệp thì phải có tư cách pháp nhân, các thành viên đóng góp, rồi trả thù lao, thậm chí là lợi nhuận như thế nào…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quy định thiếu tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.