Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nỗi lo khi đăng cai Asian Games 2019

Như Quỳnh| 11/11/2012 07:36

(HNM) - Sau khi Việt Nam giành quyền đăng cai Asian Games 2019 (ASIAD 18), niềm vui chưa qua thì những nỗi lo đã đến đối với nước chủ nhà.

Đầu tiên phải nhắc đến là vấn đề kinh phí. Trong điều kiện nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc xin ngân sách từ Chính phủ để xây dựng hàng loạt công trình thể thao mới, tổ chức tập huấn, đào tạo, chuẩn bị lực lượng VĐV... là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Ngay cả một quốc gia giàu có như UAE cũng phải bỏ cuộc khi tính đến chuyện kinh phí thì cũng đủ hiểu để tổ chức một sự kiện lớn như Asian Games tốn kém như thế nào. 150 triệu USD mới chỉ là con số dự trù, thực tế có thể sẽ còn phát sinh hơn nhiều.

Vấn đề thời gian cũng thực sự nan giải bởi ngay cả hồi đăng cai SEA Games 2003, được Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, chúng ta cũng đã phải mất tới 9 năm để chuẩn bị (từ năm 1994-2003). Tất nhiên là tình hình bây giờ đã khác, mọi thứ đều đi lên, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm hơn sau hai lần tổ chức SEA Games và Asian Indoor Games. Thế nhưng rõ ràng là Asian Games có tầm cỡ khác hẳn so với SEA Games hay Asian Indoor Games. Và chắc chắn là không dễ để có thể tổ chức hoàn hảo một kỳ Á vận hội.

Nỗi lo tiếp theo là công tác tổ chức, điều hành. Người ta đã ước tính rằng để tổ chức Asian Games, cần phải huy động nguồn nhân lực khổng lồ, số lượng người có thể lên tới khoảng 15.000 người. Không chỉ số lượng lớn, mà công tác bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng vô cùng quan trọng. Làm thế nào để chuẩn bị được một đội ngũ trọng tài, giám sát, cán bộ kỹ thuật, bác sĩ, săn sóc viên... đạt tiêu chuẩn quả là không đơn giản.

Nỗi lo lớn nhất có lẽ là thành tích. Mục tiêu của TTVN đặt ra tại Asian Games 2019 là giành 10-15 HCV để lọt vào Top 10 châu lục. Tuy nhiên đó thực sự là một điều không dễ dàng nếu nhìn vào thành tích của TTVN trong các kỳ Asian Games gần đây. Thực tế là trong thời gian gần đây, thành tích của Việt Nam đang có dấu hiệu đi xuống (Asian Games gần đây nhất chúng ta chỉ giành được duy nhất 1 HCV ở môn karatedo). Vậy làm thế nào để chuẩn bị lực lượng trong vòng 7-8 năm để cải thiện thành tích khiêm tốn này quả là một bài toán hóc búa.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý thể thao nước nhà cũng cần phải tính toán xem chúng ta liệu sẽ thu hoạch được gì khi đăng cai Á vận hội này, nền thể thao nước nhà được gì những năm sau đó, sử dụng, bảo trì cơ sở vật chất như thế nào, tiếp tục đầu tư với đội ngũ HLV, VĐV ra sao…

Còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác và tất cả đều thiết thực đòi hỏi những nhà quản lý thể thao nước nhà phải đặc biệt quan tâm, chú ý, xây dựng thành chiến lược phát triển thể thao Việt Nam từ nay đến năm 2019. Chỉ khi đó, Việt Nam mới tự tin khẳng định mình đủ sức tổ chức thành công sự kiện thể thao lớn nhất châu lục trong 7 năm tới cả về khâu tổ chức, điều hành lẫn thành tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nỗi lo khi đăng cai Asian Games 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.