(HNM) - Nằm liền kề khu đô thị mới và dọc đường Cương Kiên (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) là những “vựa” ve chai, phế liệu hằng ngày hoạt động tấp nập. Bên trong đó là những xưởng tái chế phế liệu, sản xuất dây thừng, ống hút, ni lông... thủ công có quy mô nhỏ lẻ.
"Bà hỏa" rình rập
Dọc đường Cương Kiên là những khoảng đất trống được người dân quây tạm để chứa phế liệu nhập từ người buôn đồng nát. Gần đó, phố Đại Linh cắt ngang phố Cương Kiên cũng tồn tại hàng chục gian tập kết phế liệu. Các xưởng này có quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các tổ dân phố 17, 18 phường Trung Văn.
Sau khi phế liệu được tập kết tại xưởng, tất cả nguyên liệu như túi ni lông, bao tải dứa, chai nhựa được băm nhỏ, rửa qua rồi cho vào máy nghiền, đốt nóng và xử lý thành hạt nhựa thô. Một phần được tái chế tại chỗ thành các sản phẩm, đồ gia dụng bằng nhựa, dây thừng; còn lại xuất cho các công ty, xí nghiệp chuyên sản xuất đồ nhựa.
Những “vựa” phế liệu chiếm dụng hè, đường gây nhếch nhác đường Cương Kiên. |
Nhưng đáng nói là dù nghề đã mang lại thu nhập lớn nhưng người sản xuất ở đây vẫn không đầu tư hệ thống thu gom xử lý rác, nước thải và mùi. Vì thế, mùi khét từ các lò đốt nhựa, nguồn nước ô nhiễm chính là nguồn cơn gây bức xúc của các hộ dân tổ dân phố 17, 18.
Một người dân ở phố Đại Linh cho biết, cư dân ở đây sống cạnh 3 xưởng sản xuất nhựa nên thường xuyên phải hít mùi khói khét lẹt, độc hại từ việc đốt phế phẩm. Chưa kể, những hạt bụi nhỏ phát tán xung quanh khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt. Người dân luôn thấy bất an vì sức khỏe không được bảo đảm. Đáng sợ hơn cả là "bà hỏa" có thể "hỏi thăm" bất cứ lúc nào vì phế liệu thường là ni lông, đồ nhựa rất dễ bốc cháy.
Thực tế, người dân đã từng hoảng hồn từ vụ cháy ở ngõ 80, phố Đại Linh hồi tháng 12-2016 tại một xưởng tái chế đồ nhựa. Thậm chí, xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Khỏe, ở ngõ 59, phố Đại Linh đã xảy ra 4 vụ cháy từ đầu năm 2018 đến nay.
Cần xử lý dứt điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, làng có nghề ở phường Trung Văn đã tồn tại hàng chục năm nay. Ba năm trước, phường vẫn còn 200 hộ gia đình chuyên thu mua, tái chế, sản xuất đồ nhựa theo quy mô nhỏ lẻ, nhưng qua vận động, thuyết phục, người dân đã dần chuyển đổi nghề nghiệp. Đến nay, toàn phường vẫn còn 33 hộ làm nghề này vì... không biết làm nghề gì khác.
Không có đất sản xuất, 33 hộ này đã dựng lều, lán trên đất nông nghiệp, nằm giáp đường Cương Kiên, nhưng không tuân thủ quy định về phòng, chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiếng ồn, khói, bụi… gây nhếch nhác đô thị, đe dọa an toàn và sức khỏe cho người dân. Trong khi đó, cũng chưa có đánh giá một cách khoa học nào từ cơ quan chức năng về mật độ ô nhiễm khói, bụi, nước thải, nên UBND phường không có căn cứ, cơ sở để đánh giá sai phạm và xử phạt các hộ sản xuất.
Về vấn đề phòng, chống cháy nổ, phường cũng nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính các hộ vi phạm nhưng do thiếu biện pháp mang tính lâu dài nên một số xưởng vẫn để xảy ra cháy nhiều lần. Dù phường Trung Văn đã mở lớp tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ, vận động, nhắc nhở người dân và các hộ sản xuất nghiêm chỉnh chấp hành... nhưng khó có thể ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cháy nổ do ý thức của các hộ làm nghề chưa cao.
Về việc xây dựng lán xưởng sản xuất trên đất nông nghiệp, ông Đặng Quốc Hùng cho biết, UBND phường đã nhiều lần xử phạt các hộ lấn chiếm. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày im ắng thì vi phạm lại đâu vào đấy. Theo ông Hùng, biện pháp mạnh tay nhất để xử lý các hộ lấn chiếm là rào tôn phần diện tích này để trả lại hiện trạng đất nông nghiệp. Việc này UBND phường đã báo cáo và được UBND quận Nam Từ Liêm đồng ý phương án.
Đề nghị các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm nhanh chóng rào tôn trả lại hiện trạng ban đầu để từng bước giải quyết những vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay. Đồng thời, sớm có giải pháp đối với các hộ sản xuất tái chế phế liệu, hoặc là di dời các cơ sở xa khu vực dân cư hay đưa ra phương án an toàn cho các hộ sản xuất và người dân trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.