(HNM) - Cây trồng biến đổi gen và những mặt lợi, hại của công nghệ này là chủ đề gây chú ý trong thời gian gần đây. Dư luận chung ghi nhận lợi ích to lớn có được từ công nghệ, đồng thời tỏ thái độ cảnh giác trước những nguy cơ mà nó có thể gây ra với con người dù chưa có bằng chứng khoa học cụ thể.
Ngô là loại cây trồng biến đổi gen được Việt Nam cho phép trồng đại trà. |
Không thể đứng ngoài cuộc
Cây trồng biến đổi gen cũng như những sản phẩm thực phẩm biến đổi gen đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận sau khi Bộ NN&PTNT quyết định công nhận đặc cách đối với 3 giống ngô biến đổi gen đầu tiên được phép chính thức đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam. Cây trồng biến đổi gen được tạo ra nhờ công nghệ sinh học để tăng khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu thuốc trừ cỏ và tăng hàm lượng dưỡng chất. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam: Trên thế giới, hiện có 27 nước trồng cây biến đổi gen, trong đó có 19 nước đang phát triển và 8 nước phát triển. 63 nước cho phép sử dụng cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; 354 sự kiện biến đổi gen đã được thương mại hóa; trên 20 loại cây trồng biến đổi gen đã được cấp phép canh tác ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có ba loại cây trồng chính là đậu tương, ngô và bông.
Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đầu tư nghiên cứu và khảo nghiệm từ khi "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" được phê duyệt năm 2006. Việc triển khai mô hình trình diễn trồng ngô biến đổi gen được thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố với quy mô 1,5 - 2 ha/giống cho mỗi mô hình. Sau một số đợt khảo nghiệm trên diện rộng với các loại cây ngô, đậu tương, bông, cải dầu, vào năm 2013, Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm một số giống ngô biến đổi gen để trình Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép an toàn sinh học.
Nhìn chung, trong khi nhiều người tiêu dùng khá hoang mang trước những thông tin về thực phẩm biến đổi gen thì quan điểm của các nhà khoa học mang tính đa chiều. Theo TS Nguyễn Văn Biếu, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Hà Nội, cây trồng biến đổi gen nên được coi là một tiến bộ của nhân loại mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Công nghệ này góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm tác hại tới môi trường, góp phần giải quyết vấn đề lương thực trước sức ép tăng dân số không chỉ của riêng Việt Nam.
Mặt khác, dù muốn hay không, chúng ta cũng vẫn phải chấp nhận thực phẩm biến đổi gen ở một góc độ nào đó khi nó là xu thế toàn cầu. Chẳng hạn, qua giao lưu hàng hóa, chúng ta vẫn sử dụng gián tiếp sản phẩm biến đổi gen qua việc nhập khẩu thức ăn gia súc có chứa thực phẩm sử dụng công nghệ này.
Cần nắm bắt và kiểm soát công nghệ
Không thể phủ nhận cây trồng biến đổi gen là một bước tiến lớn của công nghệ sinh học với nhiều lợi ích như tăng nguồn lương thực, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, những lo ngại về nguy cơ từ công nghệ này đã được rất nhiều người chia sẻ, đó là khả năng tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể con người… Thế nhưng, cũng theo GS Nguyễn Lân Dũng, trên thế giới hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào có kết quả khẳng định những nguy cơ nói trên là có thật. Trước ý kiến lo ngại về những ảnh hưởng xấu đối với vật nuôi ăn thức ăn biến đổi gen, ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định không có tác hại, bởi vật nuôi được cho ăn protein của ngô và đậu tương chứ không phải được đưa ADN sống vào cơ thể. Nói về tâm lý của người tiêu dùng đối với thực phẩm biển đổi gen tới sức khỏe con người, TS Nguyễn Văn Biếu chia sẻ quan điểm cá nhân: "Người tiêu dùng lo lắng là có lý bởi không ai chắc chắn là công nghệ này cũng như công nghệ tế bào hay nano có thể có những tác động như thế nào sau hàng chục năm nữa".
Về phương diện quản lý, TS Nguyễn Văn Biếu cho rằng, các cấp làm chính sách cần có cái nhìn cởi mở hơn với cây trồng chuyển gen để đông đảo người dân được hưởng lợi ích từ thành quả của tiến bộ khoa học công nghệ. Đồng thời, để lường trước và giảm thiểu tác hại có thể có, về mặt khoa học, cần tiến hành những nghiên cứu có tính dự báo tình huống.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng người tiêu dùng có quyền nắm được thông tin về sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen, song việc thông tin cẩn trọng, tránh phiến diện, gây tâm lý hoang mang. Liên quan đến truyền thông, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chính cách gọi "cây trồng biến đổi gen" dễ gây hiểu nhầm và bởi vậy, thay vào đó, ta nên gọi là "cây trồng công nghệ sinh học". Trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện biến đổi gen trong quá trình tiến hóa, nhưng diễn ra trong khoảng thời gian rất dài, tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Con người chủ động sử dụng công nghệ sinh học là để quá trình này diễn ra trong thời gian ngắn hơn rất nhiều.
Đến nay, khung pháp lý về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đã cơ bản hoàn thiện, trong đó có việc xây dựng văn bản quản lý và dán nhãn thực phẩm biến đổi gen dùng cho con người. Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, thận trọng và tăng cường năng lực khoa học và công nghệ để nắm bắt và kiểm soát các công nghệ biến đổi gen hữu ích, bảo đảm an toàn sinh học, hạn chế dần sự phụ thuộc vào sản phẩm và công nghệ nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.