Thị trường

Nhiều hàng hóa nguyên liệu thế giới giảm giá

Lam Giang 10/06/2024 - 09:42

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch từ 3-6 đến 9-6, lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới với nhiều mặt hàng giảm giá.

Chỉ số MXV-Index giảm mạnh 1,56% xuống 2.279 điểm, mức biến động mạnh nhất là nhóm hàng kim loại và nông sản.

10.3-2-kl.png
Bảng giá giao dịch mặt hàng kim loại tại MXV tuần từ 3-6 đến 9-6. Nguồn: MXV.

Với toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa giảm mạnh, nhóm kim loại đóng vai trò dẫn dắt xu hướng toàn thị trường trong tuần qua. Đối với kim loại quý, giá bạch kim chốt tuần tại mức 971,1 USD/ounce sau khi lao dốc 6,8%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của bạch kim kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, giá bạc nối dài đà giảm sang tuần thứ ba liên tiếp với mức giảm 3,19% về 29,44 USD/ounce.

Trong các phiên đầu tuần, giá bạc và giá bạch kim biến động trong biên độ khá hẹp. Tuy vậy, đến phiên cuối tuần, giá cả hai mặt hàng đồng loạt giảm mạnh sau khi Mỹ công bố bảng lương tăng vượt dự báo.

Đối với kim loại cơ bản, áp lực vĩ mô gia tăng cũng khiến các mặt hàng đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, niken LME dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 8,52% xuống 18.031 USD/tấn. Trong diễn biến khác, giá quặng sắt cũng giảm gần 6% về 108,7 USD/tấn, đánh dấu tuần giảm giá thứ hai liên tiếp.

MXV cho biết, tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ hướng đến những động thái từ cuộc họp của FED vào ngày 12-6. Nếu FED giữ lập trường thận trọng với bài toán kiểm soát lạm phát, giá kim loại có thể vẫn tiếp tục chịu sức ép. Xu hướng hồi phục và đà tăng của giá kim loại quý sẽ diễn ra trễ hơn, có thể bắt đầu từ giữa quý III năm nay.

10.6-3-nsan.png
Bảng giá giao dịch nông sản tại MXV tuần từ 3-6 đến 9-6. Nguồn: MXV.

Giảm giá trong toàn bộ 5 ngày giao dịch, giá lúa mì đóng cửa tuần qua với mức giảm rất mạnh lên tới 7,52%. Đây là mức giảm theo tuần lớn nhất mà giá lúa mì ghi nhận kể từ cuối tháng 6-2023.

Theo MXV, triển vọng nguồn cung toàn cầu tích cực hơn, khi lo ngại về nguồn cung từ Nga giảm bớt, cùng tình hình mùa vụ tích cực ở Mỹ là yếu tố chính gây áp lực lên giá lúa mì trong tuần.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá ngô diễn biến giằng co. Mặc dù giá suy yếu trong 4/5 ngày giao dịch nhưng vẫn đóng cửa tuần với mức tăng nhẹ 0,56%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hàng hóa nguyên liệu thế giới giảm giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.