Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp kết nối hữu hiệu

Mai Hoa| 28/07/2022 07:07

(HNM) - Tạo cơ hội cho người lao động diện thực tập sinh và xuất khẩu lao động tìm được việc làm sau khi về nước, nhanh chóng ổn định cuộc sống, góp phần khuyến khích họ yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động… là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi những giải pháp kết nối hữu hiệu. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ vấn đề này.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác hỗ trợ việc làm dành cho lao động diện thực tập sinh và xuất khẩu lao động về nước, sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài?

- Đây là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về việc làm đặt ra trong năm 2022, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 26-1-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”; bảo đảm sự ổn định, an sinh xã hội, khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, tạo cơ hội để họ phát huy những kiến thức về cách thức quản lý, kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tiễn học hỏi được sau thời gian làm việc ở nước ngoài; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

- Vì sao phiên giao dịch việc làm chuyên đề tháng 7 của Trung tâm Giao dịch việc làm Hà Nội lại lấy đối tượng lao động từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản trở về làm nội dung trọng tâm, thưa ông?

- Không phải ngẫu nhiên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và một số cơ quan tổ chức Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động diện EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) và thực tập sinh IM Japan (Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản) về nước là phiên trọng điểm của tháng 7.

Trong những năm qua, đã có hơn 100.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo các chương trình này về nước. Họ không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý, văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Điều quan trọng, giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, phát huy sở trường và cũng là giúp các doanh nghiệp có nguồn lao động giỏi kỹ năng, giàu kinh nghiệm.

- Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, thì đâu là giải pháp hữu hiệu, thưa ông?

- Giải pháp hàng đầu là phải tăng cường sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đầu mối, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch cho người lao động. 

Cùng với đó, phải kết hợp giữa tổ chức trực tiếp và thúc đẩy kết nối trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch việc làm, phỏng vấn kết nối trực tuyến giữa các điểm, sàn vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.

Tại phiên chuyên đề tháng 7, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp rà soát toàn bộ lực lượng lao động về nước diện EPS và IM Japan, trực tiếp trao đổi tư vấn, mời họ tham gia. Vì vậy, khi phiên chuyên đề được tổ chức, toàn bộ dữ liệu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, thông tin người lao động được lan tỏa khắp các điểm giao dịch trong hệ thống giao dịch việc làm, không chỉ tại 3 điểm cầu, mà lan tỏa cả các tỉnh, thành phố lân cận. Các sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm đã và đang tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động tham gia, giúp người lao động tiếp cận được nhiều vị trí việc làm phù hợp với kỹ năng, trình độ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp kết nối hữu hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.