(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt dẫn đến nguy cơ hàng trăm héc ta sản xuất nông nghiệp bị hạn hán. Để cung cấp đủ nước sản xuất vụ xuân 2019, TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây) sẵn sàng vận hành phục vụ vụ đông xuân 2018-2019. |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa đưa ra cảnh báo về khả năng thiếu hụt lượng mưa trong các tháng mùa khô 2018-2019. Theo đó, tại khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4-2019 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 25%. Do vậy, mực nước trên các sông suối khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, vùng hạ lưu sông Hồng thiếu hụt 10-30%... Trong tháng 2 hoặc tháng 3-2019, mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại trạm đo Long Biên (TP Hà Nội) có khả năng ở mức 0,3-0,4m… Với nhận định trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ gặp nhiều bất lợi về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, vụ đông xuân 2018-2019, trên địa bàn thành phố có khoảng 65.000ha phụ thuộc nguồn nước sông Hồng. Mực nước sông Hồng xuống thấp khiến nhiều công trình thủy lợi của thành phố không bảo đảm mực nước vận hành như: Cống Cẩm Đình, cống Liên Mạc; các trạm bơm cố định: Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc… Theo đó, trên địa bàn thành phố có khoảng 24.000ha lúa vụ xuân khó bảo đảm đủ nước gieo cấy, tưới dưỡng; bao gồm: 3.300ha vùng Bắc sông Hồng thuộc hệ thống thủy lợi Thanh Điềm, Ấp Bắc; 10.000ha vùng hữu sông Đáy thuộc hệ thống Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa, ven sông Tích, sông Đáy và 10.700ha thuộc vùng tả sông Đáy...
Để bảo đảm đủ nước đổ ải, gieo cấy, tưới dưỡng vụ xuân 2019 cho khoảng 98.000ha lúa trong khung thời vụ tốt nhất, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm, TP Hà Nội đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) về việc xả nước hồ chứa thủy điện bổ sung dòng chảy cho sông Hồng. Dự kiến các nhà máy thủy điện trên thượng lưu sông Hồng sẽ xả bổ sung 16 ngày qua 3 đợt. Đợt 1 (4 ngày, từ 22 đến 26-1-2019), bảo đảm mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên đạt 1,8m; đợt 2 (4 ngày, từ 31-1 đến 4-2-2019), bảo đảm mực nước sông Hồng đạt 2,2m; đợt 3 (8 ngày, từ 15 đến 23-2-2019), bảo đảm mực nước sông Hồng đạt mức tối thiểu 2,2m. Ngoài 3 đợt cấp nước bổ sung, các nhà máy thủy điện vẫn phát điện bình thường, duy trì mực nước sông Hồng ở mức 1,2m…
Hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đang tập trung triển khai giải pháp công trình, phấn đấu hoàn thành trong tháng 12-2018. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết: Hiện công ty đã thi công nạo vét kênh dẫn thượng lưu cống Liên Mạc, kênh dẫn bể hút trạm bơm Hồng Vân. Bên cạnh đó, công ty đã thi công trước 38 hạng mục công trình thuộc kế hoạch sửa chữa thường xuyên năm 2019; chuẩn bị lắp đặt 47 trạm bơm dã chiến, với 94 tổ máy bơm các loại và một số điểm bơm dầu…
Trên cơ sở thực tế khai thác, quản lý công trình, các doanh nghiệp thủy lợi đề xuất thành phố bố trí kinh phí xây dựng Trạm bơm Đức Môn, Áng Thượng, Tân Độ, Liên Mạc…; chỉ đạo các chủ đầu tư bàn giao sớm Trạm bơm Thụy Phú II, nạo vét lòng dẫn sông Đáy, sông Nhuệ, kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương đề nghị các công ty thủy lợi, các quận, huyện, thị xã tiếp tục xây dựng phương án tiếp nước sông Hồng ở mức bất lợi nhất; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo dưỡng công trình; thanh thải, bảo đảm lòng dẫn thông thoáng; vận hành ngay các công trình để đưa nước vào thau rửa, tích trữ trong hệ thống… Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả bằng biện pháp gieo trồng đúng thời vụ, tăng cường làm thủy lợi nội đồng, chuyển đổi diện tích trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước sang cây trồng cạn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.