Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều đổi mới trong công tác giáo dục nghề nghiệp

Phạm Thanh| 18/01/2023 07:56

(HNM) - Năm 2022, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo... Hiện ngành đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, đạt được kết quả tích cực, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (thành phố Hồ Chí Minh) thực hành nghề điện tử.

Theo Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh), toàn thành phố hiện có 393 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 248 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển được 377.423 người học đạt 101,73%, tăng hơn so với năm 2021 là 68,76%. Năm 2022, số lao động nông thôn được đào tạo là 8.100 người lao động nữ là 2.377 người, đạt 152,83% so với kế hoạch. Một số trường tuyển sinh đạt kết quả cao, như: Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Kinh tế, Cao đẳng Lý Tự Trọng…

Em Trần Viết Đoan (ở tỉnh Đồng Nai) thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đạt 24 điểm, đủ điểm vào một số trường đại học, nhưng Đoan đăng ký học tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh. "Em quyết định học nghề để ra trường có việc làm ngay. Nhiều người bạn của em cũng đã lựa chọn như vậy và có kết quả khả quan", Trần Viết Đoan chia sẻ.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2022, nhà trường tuyển sinh được gần 8.000 sinh viên, đạt gần 100% kế hoạch. Chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội; kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau khi tốt nghiệp ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp...

Phó Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Chí Thành cho biết, chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận, thậm chí đánh giá cao. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động của thành phố.

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn cho rằng, xu hướng chọn học nghề là điều bình thường, phù hợp với sự phân công lao động của xã hội, có thầy thì phải có thợ, có kỹ sư, bác sĩ thì phải có nhân viên kỹ thuật, điều dưỡng… Xu hướng này phát triển mạnh vì gần đây tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng nghiêm trọng, cử nhân đại học khó tìm việc làm, trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng thợ lành nghề. Đồng thời, Chính phủ có chính sách khuyến khích, nên học nghề có nhiều lợi thế, như: Thời gian học ngắn, được hỗ trợ học phí, ra trường có việc làm ngay…

Để phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm thông tin, Sở sẽ chỉ đạo, phối hợp với các nhà trường và các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để giới thiệu thế mạnh các ngành nghề đào tạo của từng trường, hình thức tuyển sinh, các chính sách đối với người học và mối quan hệ giữa các trường với doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo, tuyển dụng người học sau tốt nghiệp; triển khai việc đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học theo các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục tổ chức đánh giá công tác kiểm định chất lượng tại các trường công lập thuộc thành phố.

Đặc biệt, để triển khai thí điểm đào tạo mô hình “đào tạo kép” theo nội dung của Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025, Sở sẽ chủ động phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực, giới thiệu việc làm để có thể dự báo, phân tích vấn đề hướng nghiệp - giải quyết việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng; theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh tới khi ra trường và cập nhật thông tin khi có việc làm; tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đổi mới trong công tác giáo dục nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.