Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm mới cho cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh

Phương Nam| 11/04/2023 10:08

(HNMO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh vào nội dung kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 5-2023. Dự thảo nghị quyết mới với 40 nội dung chính sách, được kỳ vọng sẽ tạo công cụ pháp lý đủ mạnh để thành phố Hồ Chí Minh phát triển.

Dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội quy định nhiều cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh.

Những cơ chế vượt trội

Dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh được xem là cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng một số nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội liên quan đến định hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

40 nội dung chính sách trong dự thảo lần này được đưa vào 4 nội dung cốt lõi, gồm: Những cơ chế, chính sách đặc thù đã được quy định trong Nghị quyết 54. Những cơ chế đặc thù mà thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm cùng 8 tỉnh, thành khác trên cả nước. Những cơ chế, chính sách mới dự kiến sẽ đưa vào các luật sửa đổi, bổ sung sắp tới và những cơ chế, chính sách riêng biệt mà thành phố Hồ Chí Minh chủ động đề xuất cho thí điểm trước cả nước. Trong số này, những vấn đề mới lần đầu tiên được đề cập đến được giới chuyên gia đánh giá là mang tính “vượt trội” và “đột phá”.

Quốc lộ 13 chật hẹp, nếu được áp dụng hình thức đầu tư BOT trên đường hiện hữu, sẽ thu hút được nguồn lực xã hội để đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Điển hình là việc nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, HĐND thành phố sẽ có quyền chủ động tăng vốn đầu tư công trung hạn ngoài danh mục dự án và số tiền mà Quốc hội đã giao; được tạm dừng, hủy bỏ chủ trương đầu tư dự án trong thẩm quyền theo Luật Đầu tư công; được tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B; được thực hiện đầu tư dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo các tuyến giao thông… Đây là những vấn đề chưa địa phương nào được thực hiện.

Các điểm rất mới nữa là thành phố Hồ Chí Minh còn dự kiến được tạo quỹ đất hoàn trả các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) đã ký hợp đồng trước ngày 1-1-2021; được triển khai các dự án hạ tầng với hình thức BT và hoàn trả bằng tiền; được thực hiện các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trên đường hiện hữu; được thực hiện các hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư), loại hợp đồng O&M (kinh doanh – quản lý) với các dự án văn hóa, thể thao có quy mô dưới 100 tỷ đồng. 

Ông Đỗ Đức Hiển, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Những chính sách trên nếu được thông qua sẽ là rất mới, riêng biệt áp dụng cho thành phố. Việc này phát huy truyền thống mạnh dạn đi trước, đổi mới, thí điểm… mà thành phố đã thực hiện hàng chục năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn để có thể triển khai rộng rãi”.

Tạo khung pháp lý đồng bộ

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận định, dự thảo quy định mới đã mở rộng thẩm quyền cho chính quyền thành phố trên một số lĩnh vực để phát huy tính năng động, sáng tạo trong quá trình quản lý và phát triển. Cùng với đó, lồng vào một số cơ chế, chính sách vượt trội, tạo khung pháp lý có tính hệ thống nổi bật, giúp thành phố Hồ Chí Minh phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng cả nước. 

Theo dự thảo nghị quyết mới, nguồn lực đất đai của thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phát huy.

Còn theo ông Đỗ Đức Hiển, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, quan trọng là cơ chế vận dụng những chính sách, chủ trương mới cho thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, trong quá trình triển khai Nghị quyết 54, thành phố bị vướng bởi quy định ở một số luật chưa đồng nhất với “cơ chế mở” theo nghị quyết, nên phải mất thời gian rà soát, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

“Lần này, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, Trung ương nên tạo cơ chế nếu trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết mới với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì ưu tiên áp dụng quy định của Nghị quyết đặc thù, ngoại trừ các quy định khác có ưu đãi, thuận lợi hơn. Việc áp dụng hay không, nên giao cho chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quyết định”, ông Đỗ Đức Hiển đề xuất.

40 nhóm chính sách ưu đãi được đưa vào 4 phần nội dung chính của dự thảo nghị quyết mới.

Còn theo bà Phạm Thị Hậu (Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ), sau khi Nghị quyết được Quốc hội ban hành, cơ quan thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện ở cấp Chính phủ, các bộ nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nhất là những nội dung về phân cấp, phân quyền cho thành phố và các địa phương nhưng còn thiếu các quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng dự thảo Nghị quyết mới được thông qua tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện hơn để giúp các sáng kiến, suy nghĩ, tinh thần dám nghĩ dám làm có cơ sở thực hiện. Chúng tôi rất kỳ vọng khi nghị quyết ban hành sẽ được tổ chức thực hiện ngay, tạo sự phát triển cho thành phố và cả nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm mới cho cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.