(HNMO) - Điếm canh đê là một trong những công trình quan trọng phục vụ công tác hộ đê, phòng, chống mưa lũ, bảo vệ sản xuất và tính mạng của nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, nhiều điếm canh đê đang bị bỏ hoang.
Qua khảo sát trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn chạy qua địa bàn 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên cho thấy, với chiều dài hơn 30 km được bố trí xây dựng hơn 30 điếm canh đê, nhưng có nhiều điếm canh đê được xây dựng cách đây vài chục năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó một số điếm bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Điển hình, trên địa bàn xã Khai Thái có 5 điếm canh đê thì có 2 điếm bị bỏ hoang. Đó là điếm canh đê số 114 và 111. Cả 2 điếm này đang bị biến thành nơi chứa rác…
Để chủ động phòng, chống thiên tai, lụt bão, các cấp, các ngành luôn phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Do vậy, điếm canh đê giữ vai trò quan trọng khi vừa là trụ sở trực tuần tra, canh gác đê mùa mưa bão, vừa là nơi tập kết vật liệu, vật tư hộ đê của các địa phương.
Tuy nhiên, cũng qua khảo sát trên đoạn tuyến đê hữu Hồng chạy qua địa bàn hai huyện Phú Xuyên và Thường Tín, thời điểm này đang trong mùa mưa bão, mặc dù nhiều điếm canh đê đã được đầu tư xây mới, nhưng vật tư, vật liệu tập kết về điếm còn thiếu, thậm chí là không có; một số điếm trở thành nơi bán nước giải khát, hàng tạp hóa như điếm canh đê số 92 trên địa bàn xã Tự Nhiên và Thư Phú (huyện Phú Xuyên).
Có thể nói, thực trạng các điếm canh đê xuống cấp, bị bỏ hoang; việc tập kết vật tư, vật liệu về các điếm canh đê còn thiếu, chưa được chính quyền quan tâm,… đang diễn ra ở không ít địa phương trên địa bàn Hà Nội có tuyến đê chạy qua. Điều này cho thấy sự chủ quan, lơ là của một số địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão.
Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, các sở, ngành, nhất là các địa phương có đê cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó cần tập trung vào các điếm canh đê. Bên cạnh đó, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống lụt bão tại địa phương.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 366 điếm canh đê, gồm có 339 điếm từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, có 27 điếm dưới cấp 3. Trong số đó có 157 điếm đáp ứng được yêu cầu thường trực trên đê, còn lại 209 điếm có một số bị hư hỏng nhỏ cần được khắc phục, sửa chữa; một số bị xuống cấp, cũng như vị trí không phù hợp với hiện trạng đê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.