Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều câu hỏi cần làm rõ

Tuấn Khải| 20/02/2016 07:23

(HNM) - Bộ GT-VT vừa quyết định thành lập Tổ công tác nhằm xem xét, đánh giá thủ tục đầu tư của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (ĐSHN) về chủ trương mua hơn 160 toa tàu cũ đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Những thay đổi của ngành Đường sắt còn chậm so với sự phát triển của xã hội.


Dư luận rất chờ đợi sự nghiêm túc trong quá trình làm việc của Tổ công tác này bởi đang có nhiều câu hỏi xung quanh việc cách chức, bổ nhiệm cũng như trách nhiệm các cá nhân có liên quan…

Vô can hay đổ trách nhiệm?

Đầu tháng 2-2016, ông Đinh La Thăng, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ GT-VT, yêu cầu Tổng công ty ĐSVN báo cáo về đề xuất mua toa xe cũ của Trung Quốc; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Hội đồng thành viên (HĐTV), Ban lãnh đạo Tổng công ty trong việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thương thảo hợp đồng nói trên. Đồng thời yêu cầu HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho thôi nhiệm vụ đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Vận tải ĐSHN đối với Tổng Giám đốc Nguyễn Viết Hiệp…

Rất nhanh sau chỉ đạo này, HĐTV Tổng công ty ĐSVN đã có hàng loạt động thái như họp kiểm điểm; ra nghị quyết miễn nhiệm đối với Tổng Giám đốc Nguyễn Viết Hiệp và điều động làm Phó Trưởng ban Vận tải của Tổng công ty; bổ nhiệm ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh của Tổng công ty thay vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Viết Hiệp. Tuy nhiên, nghị quyết này không đề cập đến việc "kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm" của HĐTV, ban lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Tổng công ty ĐSVN như chỉ đạo của Bộ GT-VT.

Một câu hỏi đang được đặt ra là trách nhiệm của lãnh đạo Ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng công ty ĐSVN, trong văn bản trình chủ trương mua tàu cũ; cũng như cá nhân ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN khi "bút phê" vào văn bản này, vào ngày 15-10-2014, ghi rõ: "Tôi nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc. Đề nghị tổ chức triển khai".

Thế nhưng, liên quan đến "bút phê" này, khi giải trình, ông Trần Ngọc Thành đã phủ nhận việc đồng ý về chủ trương để Công ty cổ phần Vận tải ĐSHN nhập toa xe cũ; và cho rằng hoàn toàn không biết lô hàng của Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) phần lớn vượt quá niên hạn 20 tuổi. Ông Trần Ngọc Thành khẳng định: "Bút phê" này chỉ giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu, khảo sát; việc đó hết sức bình thường. Việc mua toa tàu qua sử dụng với giá rẻ là bình thường; còn mua toa cũ đến 20 tuổi, tôi không bao giờ đồng ý (?).

Chủ trương từ đâu ra?

Bút phê của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.


Trước thông tin bị miễn nhiệm, cách chức, ông Nguyễn Viết Hiệp cho rằng, đó chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" và là một cán bộ của ngành Đường sắt thì ông phải tuân thủ. Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN lại khẳng định trước nhiều cơ quan truyền thông rằng, việc kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ĐSHN đối với ông Nguyễn Viết Hiệp không phải do việc mua tàu cũ mà với hai nội dung: Chậm triển khai việc khảo sát thực tế lô hàng và báo cáo vượt cấp lên Bộ GT-VT, gây hiểu nhầm, mất uy tín của Tổng công ty. Thậm chí ông Trần Ngọc Thành còn khẳng định: "Lỗi của anh Hiệp chưa đến mức phải cách chức. Việc điều chuyển cán bộ là việc bình thường của Tổng công ty".

Thế nhưng, nghịch lý là trong khi ông Nguyễn Viết Hiệp bị miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc thì Tổng công ty ĐSVN lại rất kịp thời bổ nhiệm bà Đỗ Thanh Hà - Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh (từng trình văn bản liên quan việc mua toa tàu cũ của Trung Quốc), làm thành viên HĐTV Tổng công ty ĐSVN (là một trong 5 người có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Viết Hiệp). Một số quan điểm nhận định, việc Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành cho rằng, kỷ luật vì chậm khảo sát lô hàng (không chỉ ông Nguyễn Viết Hiệp được giao nhiệm vụ này) và báo cáo vượt cấp là không thuyết phục.

Ông Nguyễn Viết Hiệp bị miễn nhiệm và điều chuyển công tác thực chất là do thực hiện chủ trương mua toa tàu cũ của Trung Quốc. Vì vậy, cần xem xét chủ trương đó từ đâu ra. Việc lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN nói không biết đến tuổi toa tàu cần được xác minh. Qua hồ sơ kèm theo các tờ trình phương án sẽ thấy rõ điều này. Ngoài ra, việc những lãnh đạo của Ban Kế hoạch - Kinh doanh, không những không bị xem xét trách nhiệm, lại lần lượt được bổ nhiệm trong thời gian rất ngắn, là những câu hỏi cần được giải đáp tường minh.

Ngành Đường sắt những năm gần đây, dù được đánh giá là đã có những bước chuyển biến, nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển của toàn xã hội và vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi cái bóng "một mình một chợ". Chính vì vậy, việc Bộ GT-VT thành lập Tổ công tác, nhằm xác minh cụ thể vụ việc đề xuất mua toa xe cũ, đang được chờ đợi sẽ đưa đến những kết luận chính xác về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến liên quan tới sự việc này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi cần làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.