(HNM) - Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đáp ứng tình hình mới. Nhiều chi bộ địa bàn dân cư đã có những cách làm hay, mô hình hiệu quả. Thực tế cho thấy, đổi mới sinh hoạt chi bộ không khó, vấn đề là cấp ủy, tổ chức Đảng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động, quyết tâm thực hiện.
Bám sát đời sống
Ngày 6-10 vừa qua, Chi bộ thôn Đông Thượng (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) tổ chức sinh hoạt thường kỳ. Với sự điều hành của Bí thư chi bộ Hoàng Văn Phả, các đảng viên tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nghị quyết chi bộ tháng 9 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 10-2019. Gần 10 ý kiến đã đi thẳng vào những nhiệm vụ đang đặt ra của địa phương, chi bộ cần tập trung thực hiện như: Phát triển đảng viên trẻ, lãnh đạo công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cải tạo kênh mương nội đồng, chuẩn bị sản xuất vụ chiêm xuân năm 2020... Dự và theo dõi buổi sinh hoạt, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “Công tác chuẩn bị nội dung của chi ủy bảo đảm đúng quy định nên buổi sinh hoạt đạt kết quả tốt, nghị quyết được ban hành có tính khả thi cao”.
Cùng với Chi bộ thôn Đông Thượng, nhiều chi bộ đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Chi bộ khu dân cư số 6 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) là một ví dụ. Theo Bí thư chi bộ Lê Thị Thúy, nhờ chủ động chuẩn bị, mỗi buổi sinh hoạt chỉ bàn 1-2 vấn đề thiết thực nhất, nên các buổi sinh hoạt chi bộ không bị lặp lại. Đồng thời, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, trong các buổi sinh hoạt, chi ủy thường xuyên mời cán bộ quân đội về nói chuyện thời sự; mời cán bộ lãnh đạo phường truyền đạt nghị quyết hay tổ chức giao lưu văn nghệ... Nhờ vậy, các đảng viên trong chi bộ rất tích cực tham gia sinh hoạt.
Thực tế thời gian qua, các quận, huyện, thị ủy đều có những giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Quốc Oai đã ban hành Đề án số 410-ĐA/HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở huyện Quốc Oai giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đều phải về dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở; riêng năm 2018 đã tham dự 205 buổi sinh hoạt chi bộ. Bí thư Đảng ủy xã Đông Yên Cấn Văn Quân cho biết, thực hiện Đề án số 410-ĐA/HU, Đảng ủy xã đưa vào quy chế làm việc, phân công cán bộ về dự sinh hoạt hằng tháng tại 11 chi bộ địa bàn dân cư nhằm vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt bảo đảm chất lượng.
Còn theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, Ban Thường vụ Quận ủy xác định, chi bộ tổ dân phố là hạt nhân đưa các chủ trương, chính sách mới vào cuộc sống. Xây dựng mô hình khu dân cư, tổ dân phố điện tử, mô hình tổ dân phố “5 không” (không có rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo) đã trở thành chủ đề sinh hoạt tươi mới của nhiều chi bộ, thu hút đông đảo đảng viên tham gia ý kiến và được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện Mỹ Đức, Sóc Sơn ban hành đề án về đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các huyện Thanh Trì, Phúc Thọ tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi...
Đổi mới đồng bộ hơn
Tuy nhiên, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn chưa đồng đều. Đảng bộ Hà Nội có hơn 17.000 chi bộ với trên 5.200 chi bộ địa bàn dân cư (chi bộ tổ dân phố, chi bộ thôn). Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, còn không ít chi bộ chậm đổi mới, sinh hoạt còn nặng về hình thức, thậm chí có chi bộ mất sức chiến đấu. Ngoài ra, qua theo dõi của Ban Tổ chức Thành ủy, tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt còn nhiều. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã xem xét, quyết định xóa tên trên 1.100 đảng viên do bỏ sinh hoạt Đảng. Điều đó cho thấy, các cấp ủy cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ địa bàn dân cư hơn nữa nhằm tạo chuyển biến đồng bộ.
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới sinh hoạt chi bộ trên cơ sở Kết luận số 18-KL/TƯ ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TƯ của Ban Bí thư khóa X "Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" trong tình hình mới” và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTƯ ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì người đứng đầu cấp ủy, bí thư chi bộ phải thay đổi tư duy, đề cao trách nhiệm cá nhân.
Thực hiện tinh thần đó, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, sáng tạo trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khắc phục bệnh hình thức.
Tại huyện Mỹ Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðỗ Trung Hai khẳng định, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; trọng tâm là phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên nhằm sớm phát hiện và khắc phục các tồn tại. Còn theo Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ, cùng với duy trì thường xuyên việc cán bộ lãnh đạo huyện về cơ sở dự sinh hoạt chi bộ, huyện sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ chi ủy viên, nhất là bí thư chi bộ...
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm, chủ động của các cấp ủy Đảng và từng chi bộ, những cách làm hay trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ tiếp tục được phát huy, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.