(HNMO) - Những ngày này, nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội cùng người dân đã có nhiều cách tổ chức sản xuất, thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi... nhằm đạt vụ mùa thắng lợi.
"Đi cấy sáng trăng"
Đợt nắng nóng này diễn ra đúng vào khung thời vụ gieo cấy lúa mùa nên nông dân các huyện có diện tích lúa mùa lớn, như: Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức... tranh thủ sáng sớm và chiều muộn khi thời tiết bớt oi bức tập trung xuống đồng làm đất, gieo mạ, cấy lúa. Từ 5h sáng, trên cánh đồng xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) đã đông kín người.
Ði thăm đồng, ông Lê Văn Tuần ở thôn Phú Liễn cho biết: "Cả tuần qua, ngày nào tôi cũng dậy sớm để kiểm tra mực nước của mấy thửa ruộng, nhất là chân ruộng mạ. Thời tiết nắng nóng này mà để thiếu nước là mạ chết ngay".
Tại huyện Ứng Hòa, trong những ngày nắng nóng gay gắt này, tình hình sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ một số diện tích gieo mạ mùa và cấy sớm có thể bị táp lá do nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc lúa sau cấy cũng ảnh hưởng do việc bón phân cho lúa phải chậm lại.
Bà Nguyễn Thị Thủy, xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: "Làm sớm, nghỉ sớm, chúng tôi thấy khỏe người. Bình thường, 6h sáng mới ra đồng, thời tiết nắng nóng thì 3h ra đồng làm việc tới 8-9h là chúng tôi về nhà nghỉ ngơi"...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi thông tin, theo kế hoạch, vụ mùa năm 2021, huyện dự kiến gieo trồng hơn 7.500ha lúa, phấn đấu cấy xong trong tháng 6. Đến nay, nắng nóng gay gắt tuy chưa gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp nhưng làm xáo trộn đời sống người dân. Ðể tránh nắng nóng, nông dân tranh thủ xuống đồng từ 3 đến 5h sáng và sau 5h chiều; nhiều người phải đeo đèn đi làm đêm bởi ban ngày nước ruộng nóng rát chân không thể làm được. Do nhiệt độ tăng cao, nhiều diện tích mới cấy bị táp lá khiến việc chăm sóc lúa sau cấy gặp khó khăn...
Ðể gieo cấy lúa trong khung mùa vụ tốt nhất, hạn chế thiệt hại do nắng nóng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khuyến cáo các địa phương: Đối với diện tích mạ còn non, gieo cấy trà mùa chính vụ, cần giữ mạ trên ruộng thêm vài ngày, khi nhiệt độ giảm, tiếp tục cấy và phải giữ nước sâu ngập chân mạ nhằm tạo lớp đệm bảo vệ bộ rễ non; giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy. Người dân chú ý nhổ mạ đến đâu cấy hết đến đó, tránh đập hoặc rũ hết đất ở rễ mạ, nên xúc hoặc hớt mạ để cấy là tốt nhất.
Chăn nuôi cũng cần cẩn trọng
Ngoài những tác động tiêu cực tới lĩnh vực trồng trọt, nắng nóng cũng ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả.
Tại huyện Ba Vì, các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ đang rất lo lắng vì bò sữa nhạy cảm với thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sản lượng sữa; vật nuôi dễ phát sinh bệnh cảm nắng, cảm nóng, nhiễm ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác.
Tại một số trang trại chăn nuôi khép kín, những ngày nhiệt độ cao như hiện nay, hệ thống làm mát hoạt động hết công suất. Nước được bơm lên làm mát mái, hạ nhiệt độ và tắm mát cho đàn gia súc. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giúp giảm nhiệt phần nào. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi bởi chi phí tăng cao, tốc độ tăng trọng lượng của đàn vật nuôi bị chậm lại, dịch bệnh dễ bị bùng phát. Một vấn đề quan trọng đối với các trang trại chăn nuôi tập trung trong mùa nắng nóng là nguồn điện phải được duy trì, bảo đảm giữ mát cho khu chuồng trại...
Ông Đặng Văn Mỳ ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) - hộ chăn nuôi 50 con lợn nái, chia sẻ kinh nghiệm: Cần giữ cho chuồng trại thoáng mát, thường xuyên tắm cho lợn để giảm nhiệt; chú ý cho đàn lợn ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng.
Đối với gà thả vườn, chị Nguyễn Thị Hương - hộ chăn nuôi gà ở thôn 3, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), cho biết, với 2.000 gà thả vườn, gia đình chị chỉ thả gà ra vườn vào sáng sớm và chiều muộn; tăng cường làm mát chuồng trại, cho ăn bổ sung vi chất và rau xanh...
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, các địa phương cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ vắc xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch.
Nghề nông vốn là nghề vất vả "trông trời, trông đất, trông mây", nông dân luôn phải "canh chừng" thời tiết để tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả. Ngày nay, trên cơ sở kinh nghiệm qua nhiều mùa vụ canh tác, có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất kết hợp lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với nắng nóng, biến đổi khí hậu..., hy vọng vụ mùa tới nói riêng và những mùa vụ tiếp theo sẽ thắng lợi để bù đắp nhọc nhằn cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.