(HNM) - Đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay khiến nhiều người trên địa bàn Hà Nội phải nhập viện. Những bệnh thường gặp khi trời lạnh là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm phổi… Do đó, mỗi người dân cần điều chỉnh thói quen hằng ngày một cách phù hợp để giữ gìn sức khỏe.
“Mùa“ của méo miệng, đột quỵ…
Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, số lượng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám tại Khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu trung ương) lại gia tăng. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Châm cứu trung ương tiếp nhận khoảng 10 trường hợp. Điển hình như trường hợp của anh N.H. (29 tuổi, ở Hà Nội), sau thức dậy vào buổi sáng đã mở cửa ban công và bị nhiễm lạnh. Khi soi gương mới biết miệng bị lệch nhẹ nên nghi có dấu hiệu bị đột quỵ, anh H. lập tức đến bệnh viện để khám.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu trung ương) cho biết, bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch sang trái. Bệnh nhân không thể làm các động tác như thổi lửa, huýt sáo… Kết quả chẩn đoán cho thấy, anh H. bị tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên. “Cơ chế gây bệnh này là do tiếp xúc với nguồn lạnh một cách đột ngột. Các ca bệnh được ghi nhận tại bệnh viện hầu hết là do mở cửa, đi ra ngoài trời buổi sáng khi nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói.
Trời chuyển lạnh cũng là “mùa” của bệnh đột quỵ. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Ngoài ra, có khoảng 60-70% bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Còn theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời.
Với thời tiết như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu nghị) lưu ý, sau mỗi đợt lạnh, chắc chắn lượng bệnh nhân đến khám sẽ tăng cao. Khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.
Tránh chữa bệnh theo cách truyền miệng
Với bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể để lại các di chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngoại hình và sự tự tin trong cuộc sống.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu trung ương) cảnh báo, bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dân gian, đồn thổi không có căn cứ khoa học khiến bệnh không đỡ, thậm chí cơ mặt bị cứng, khó hồi phục...
“Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co lại gây ra tổn thương. Chỉ cần vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh, người bệnh đã có thể mắc bệnh. Vì vậy, cần có thời gian để cơ thể làm quen với sự chênh lệch nhiệt độ cũng như giữ ấm cơ thể, nhất là ở vùng cổ và gáy”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
Đối với bệnh đột quỵ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Không chỉ vậy, có người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, khi đến cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí có trường hợp đã ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Do đó, khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.
Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý, khi trời lạnh cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà vào thời gian muộn hơn. Ngoài ra, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.