(HNM) - Phân bón hữu cơ (PBHC) có những ưu điểm nhưng sử dụng như thế nào cho hợp lý, đạt hiệu quả tốt nhất thì chưa được nhiều người quan tâm. Mặt khác, công tác quản lý còn nhiều bất cập khi chưa theo kịp với thực tế...
Sử dụng phân bón hữu cơ đúng cách sẽ cho ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. |
Ưu thế vượt trội
Nhận thấy những tác động của phân vô cơ gây hủy hoại môi trường, trang trại Hoa Viên ở huyện Thạch Thất chuyển sang sử dụng PBHC cho cây trồng. Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên cho biết, 100% nông sản của trang trại được chăm sóc bằng PBHC tự sản xuất. Việc sử dụng PBHC góp phần nâng cao chất lượng nông sản, cải tạo đất đai, làm tăng độ phì nhiêu của đất.
Trước đây, đa phần xã viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (Gia Lâm) sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng, việc sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh rất hạn chế. Điều đó khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, năng suất cây trồng giảm và tăng chi phí sản xuất.
Trước thực trạng này, xã viên hợp tác xã đã thử nghiệm PBHC 5 tốt được sản xuất từ chất thải chăn nuôi. Kết quả là chất lượng rau, củ, quả được nâng cao. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, đến nay, 100% xã viên chuyển sang sử dụng loại phân bón này. Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá Đoàn Hà Bằng cho biết, sử dụng PBHC làm tăng khả năng giữ nước trong đất, giữ phân bón tốt hơn, giảm sự thất thoát phân bón do bay hơi hoặc rửa trôi.
Hà Nội có hơn 290.000ha đất canh tác gieo trồng, nhu cầu về phân bón phục vụ sản xuất khá lớn. Khảo sát ở một số địa phương cho thấy, nông dân lâu nay có thói quen lạm dụng phân bón hóa học, làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến kết cấu đất, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người…
Bất cập công tác quản lý
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ ở Việt Nam chỉ đạt 45 - 50%, phần còn lại tích tụ trong môi trường khiến đất bị suy thoái, bạc màu, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất - nước, tăng tỷ lệ sâu bệnh hại, giảm năng suất chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng PBHC có nhiều ưu điểm vượt trội sẽ giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, bền vững.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nông dân đang rơi vào “ma trận” PBHC với đủ tên gọi, thương hiệu… của các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước. Công dụng, xuất xứ, công nghệ sản xuất, nguyên liệu các loại PBHC được các nhà sản xuất, nhà phân phối quảng cáo khá phong phú. Trong khi đó công tác quản lý, định hướng sử dụng còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, mỗi năm cả nước sản xuất, sử dụng khoảng 2 triệu tấn PBHC và phân bón khác. Hiện có khoảng 90 đơn vị được phép sản xuất PBHC và phân bón khác với 650 loại phân bón, công suất khoảng 2,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn hàng trăm loại phân hữu cơ khác được cấp phép nhưng không đưa vào sản xuất, tạo ra danh sách ảo.
Trước những bất cập trên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn kiến nghị: Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón nói chung, PBHC nói riêng. Bên cạnh đó, sớm giao cho một ngành quản lý về phân bón bao gồm cả phân bón vô cơ và hữu cơ.
Bộ NN&PTNT sớm soạn thảo, chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón phục vụ các loại cây trồng chính và quy trình hướng dẫn sử dụng hợp lý trong đó cân bằng giữa phân bón vô cơ và hữu cơ nhằm giúp nông dân thuận tiện trong nhận biết và sử dụng.
Đồng thời, các đơn vị liên quan khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh đối tượng làm ăn gian dối để lập lại trật tự thị trường phân bón. Đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thay đổi thói quen sử dụng phân bón cũng như có cơ chế chính sách, tạo vị thế cho PBHC phát triển, giúp sản xuất nông nghiệp của Việt Nam an toàn, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.