(HNM) - Sau nhiều vụ việc người sử dụng lao động không đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ), giữ sổ BHXH để ép NLĐ trong giải quyết các tranh chấp lao động thì Luật BHXH 2014 có thay đổi quan trọng, từ ngày 1-1-2016, NLĐ có quyền giữ sổ BHXH của mình.
Triển khai thực hiện Luật BHXH 2014 với thay đổi về đối tượng giữ sổ BHXH từ chủ sử dụng lao động trước đây sang NLĐ tự bảo quản được ghi nhận ở điểm: Tiện theo dõi quá trình đóng BHXH của mình, kiểm tra được kết quả đóng BHXH của đơn vị, nếu có sai sót sẽ kịp thời phát hiện và đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh. Về lâu dài, việc trao quyền bảo quản một tài khoản tiết kiệm ở tương lai cho chính chủ nhân thụ hưởng sẽ giúp bảo đảm lợi ích tối đa và chấm dứt hành vi xử ép NLĐ đã từng xảy ra mỗi khi có tranh chấp.
Theo luật mới thì từ ngày 1-1-2016, người lao động có quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội của mình. Ảnh: Như Ý |
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5-2016, tổng số sổ BHXH đã cấp là hơn 12 triệu sổ cho NLĐ ở khoảng 300 nghìn đơn vị sử dụng lao động, trong đó có 7 triệu sổ BHXH bìa cứng và 5 triệu sổ BHXH tờ rời. Sở dĩ tồn tại hai mẫu sổ trên vì trước năm 2009, việc quản lý bằng phương pháp thủ công, ghi chép và theo dõi trên giấy tờ, sổ sách. Từ năm 2009 đến nay, đã có phương pháp quản lý bằng phần mềm và định kỳ in thông tin đóng BHXH ra tờ rời để tiện theo dõi, tra cứu. Cả hai hình thức này đều có những nhược điểm dễ sai sót, khó bảo quản, chậm cập nhật thông tin. Vì vậy, trước khi trả sổ BHXH cho NLĐ quản lý, cơ quan BHXH đang phải phối hợp với đơn vị sử dụng lao động rà soát lại toàn bộ thông tin trong sổ BHXH và thực hiện cập nhật toàn bộ quá trình tham gia BHXH của NLĐ vào phần mềm quản lý. Mục đích để có một cơ sở dữ liệu quản lý tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp lại sổ BHXH khi NLĐ làm mất, hỏng đồng thời giải quyết kịp thời, chính xác chế độ đối với NLĐ. Đây là lý do đến thời điểm hiện tại BHXH các tỉnh, thành phố chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về các bước tiến hành trả sổ BHXH.
Lợi bất cập hại
Trong khi nhiều NLĐ nóng lòng muốn tự bảo quản sổ BHXH thì không ít NLĐ tỏ rõ sự băn khoăn lo lắng với “quyền làm chủ” của mình khi họ không đơn thuần là chỉ giao dịch với cơ quan BHXH mà vẫn phải có sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động. Chẳng hạn việc chuyển cơ quan như băn khoăn của chị Trần Thị Thơm (quận Long Biên): Mặc dù được bảo quản sổ BHXH nhưng NLĐ không tự đi chốt sổ BHXH được mà phải chuyển lại sổ cho đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm làm thủ tục chốt sổ và trả sổ BHXH cho NLĐ. "Hay NLĐ không lưu giữ sổ BHXH tốt bằng cơ quan, đơn vị và sẽ gặp khó khăn khi giải quyết mọi chế độ, quyền lợi của NLĐ có liên quan đến sổ BHXH" - chị Đặng Thị Hoa (quận Nam Từ Liêm) cho biết. Anh Nguyễn Nam (huyện Hoài Đức) bày tỏ lo lắng: "NLĐ thường chỉ làm việc chuyên môn, giỏi ngành nghề mình được phân công nhiệm vụ, nhưng không thực sự hiểu về các vấn đề BHXH cũng như cập nhật được mọi thông tin thay đổi về chủ trương, chính sách bảo hiểm nên khi giải quyết công việc liên quan đến BHXH sẽ gặp khó khăn. Rồi mất sổ, hỏng sổ thì làm thế nào…".
Một bộ phận không nhỏ NLĐ không muốn giữ sổ BHXH vì bản thân là công nhân ở trọ nên việc bảo quản sổ không tốt, thông tin trên sổ BHXH chưa thể hiện đầy đủ, kịp thời thời gian đóng liên tục nên NLĐ có giữ sổ cũng không thể theo dõi quá trình đóng cũng như kiểm tra kết quả đóng BHXH của đơn vị như mục đích ý nghĩa ban đầu của chủ trương trả sổ cho NLĐ tự bảo quản. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp kêu trời vì việc chốt sổ, trả sổ tạo áp lực công việc hành chính rất lớn trong bộn bề công việc kinh doanh, sản xuất vốn cần triển khai rốt ráo hơn. Đấy là chưa nói đến đơn vị sử dụng lao động khi trả sổ xong mà muốn đề nghị cơ quan BHXH giảm lao động tham gia, chốt sổ BHXH lại phải chờ NLĐ chuyển lại sổ mới có thể làm đồng loạt.
Để việc bàn giao sổ BHXH thuận tiện và tránh sai sót, BHXH Việt Nam cho biết cần có lộ trình phù hợp, khi bàn giao phải có biên bản ký kết giữa BHXH, doanh nghiệp và NLĐ. Trong khi đó, BHXH đang thí điểm cung cấp trên mạng tiến độ đóng BHXH giúp NLĐ có thể truy cập trên hệ thống thông tin để biết được quá trình đóng và mức đóng của doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ BHXH vào năm 2017, tiến tới năm 2018 sẽ tiến hành thanh toán BHXH qua tài khoản ngân hàng đều là thời hạn rất gần. Vậy sao không đẩy nhanh tiến độ BHXH điện tử đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin trên mạng của NLĐ thay vì giữ sổ BHXH nhưng không được cập nhật thông tin?
Trước mắt, khi lộ trình trả sổ hay BHXH điện tử còn đang triển khai thì điều kiện bảo đảm quyền lợi của người lao động được quy định ngay tại Điều 21 và 23 Luật BHXH đã có hiệu lực thi hành. Đó là định kỳ 6 tháng, hằng năm người sử dụng lao động có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho NLĐ, cung cấp thông tin về việc đóng BHXH khi NLĐ hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu. Nếu người sử dụng lao động, NLĐ, tổ chức Công đoàn nắm chắc quy định này, thực hiện đầy đủ, giám sát chặt chẽ thì sẽ có kết quả tốt hơn cầm quyển sổ BHXH cất kỹ một chỗ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.