(HNM) - Mặc dù cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc, thanh, kiểm tra, ngăn chặn nhưng tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Với những doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, ngừng hoạt động mà còn nợ bảo hiểm xã hội thì người lao động bị “treo” sổ bảo hiểm, đứng trước nguy cơ “mất trắng” quyền lợi.
Gian nan đòi quyền lợi
Ông Đoàn Điện Biên (phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, từ năm 2006 đến tháng 4-2015, ông làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Hà Nội (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Quá trình làm việc, ông vẫn thấy cơ quan trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội từ lương hằng tháng. Nhưng đến khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ông mới được biết, từ tháng 4-2011, công ty đã không đóng bảo hiểm xã hội cho mình. Đến tháng 6-2015, công ty ngừng giao dịch nhưng chưa đóng mã số thuế. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông Đoàn Điện Biên từ tháng 9-2006 đến tháng 4-2011 là 4 năm 8 tháng. Thời gian từ tháng 5-2011 đến tháng 4-2015, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Hà Nội nợ tiền bảo hiểm xã hội nên không có cơ sở chốt quá trình tham gia bảo hiểm xã hội... Khi ông Biên đề nghị không tính thời gian từ tháng 5-2011 đến tháng 4-2015 vào hồ sơ để hoàn thành thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì cũng không được chấp nhận, do hiện chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp này. Đến nay, quyền lợi bảo hiểm xã hội của ông Biên vẫn đang bị “treo”.
Trường hợp ông Đặng Mạnh Tuấn (quận Đống Đa) may mắn hơn. Sau nhiều lần đòi quyền lợi, ông đã nhận được sổ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khoảng thời gian công ty cũ cho nghỉ việc không lương, ông Tuấn làm việc cho công ty mới là chưa chốt được bảo hiểm xã hội. Nay nhận được sổ bảo hiểm xã hội, ông Tuấn phải tự tìm hiểu để giải quyết thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội giữa hai công ty.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp như Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội Chi nhánh Hà Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex... nợ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền hàng tỷ đồng khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ tịch Công đoàn nhà máy Dệt (Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội Chi nhánh Hà Nam) Lê Thị Hiền cho biết, công ty nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm và còn nợ lương công nhân. Người lao động đã nhiều lần đề nghị công ty giải quyết quyền lợi, chế độ hợp pháp nhưng đều bị trì hoãn nên đại diện công nhân đã làm đơn khởi kiện lãnh đạo công ty ra tòa án.
Cần giải pháp mạnh xử lý nợ đọng, trốn đóng
Theo Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận sổ bảo hiểm xã hội kịp thời để giải quyết chế độ cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng bảo hiểm xã hội, sau khi thu được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, người lao động không biết đến bao giờ cơ quan bảo hiểm xã hội mới thu được tiền của đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, trong đó có những trường hợp doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn, ngừng hoạt động.
Với trường hợp Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội Chi nhánh Hà Nam, Giám đốc Công ty Đỗ Văn Minh cho biết, công ty đã có cam kết thời gian trả nợ lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đó, từ ngày 15-3 đến 20-3, đơn vị đã trả lương tháng 9-2022 cho người lao động nhà máy dệt và lương tháng 6-2022 cho khối hành chính. Đến ngày 20-4-2023, công ty trả nốt lương các tháng 10, 11, 12 cho công nhân. Sau khi trả xong nợ lương, đơn vị sẽ tiếp tục tìm nguồn để nộp bảo hiểm xã hội và ưu tiên các đối tượng đã chấm dứt hợp đồng theo cam kết. Lộ trình, đến hết tháng 7-2023, công ty sẽ nộp và chốt sổ cho 1/3 số lao động và đến hết tháng 6-2024 sẽ nộp đủ, không còn nợ bảo hiểm... Như vậy, người lao động của doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến khi công ty làm đúng như cam kết.
Ngoài trường hợp cụ thể trên, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có hơn 200.000 người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể, phá sản, không có người đại diện pháp luật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất các giải pháp để giải quyết quyền lợi trước mắt cho người lao động. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn với người sử dụng lao động nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, từ phạt tiền lãi, ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đến khởi tố theo quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.