(HNMO) – Chiều 1-8, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai mạc triển lãm 35 bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Pháp - Réhahn, khai thác nét đẹp hồn hậu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Réhahn đã có buổi trò chuyện thân mật với báo giới, chia sẻ về những kỷ niệm và hành trình nhiều năm tìm hiểu văn hóa Việt Nam để rồi quyết định chọn Việt Nam để định cư.
Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn trong buổi khai mạc triển lãm "Di sản vô giá" tại Bảo tàng Dân tộc học vào ngay 1-8. |
Anh đã đi qua 35 quốc gia, mối duyên nào khiến anh ở lại Việt Nam lâu như vậy?
- Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 2007 với mục đích du lịch và tham gia một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho hai em bé ở Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Tôi không ngờ rằng, khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp, sự thân thiện của con người, thiên nhiên Việt Nam. Tôi lập tức yêu Việt Nam và quyết định cùng gia đình sống tại Hội An.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài đến Việt Nam thường chọn chụp ảnh về thiên nhiên, cảnh đẹp của Việt Nam nhưng anh lại chọn cách xâm nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam để ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống, văn hóa của họ. Điều gì khiến anh lại say mê văn hóa dân tộc của Việt Nam đến vậy?
- Năm 2008 lần đầu tiên tôi đến SaPa và được giao tiếp với những đồng bào dân tộc ở đây. Tôi bị hấp dẫn ngay lập tức bởi trang phục rực rỡ, những ánh mắt thân thiện và sự chăm chỉ lao động của họ. Tôi tìm hiểu và biết Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa rất riêng, từ trang phục, nếp sống, thói quen. Tôi say mê khám phá những nét văn hóa ấy, càng tìm hiểu tôi càng bị cuốn hút. Đến nay, tôi đã được gặp gỡ và chụp ảnh 48 dân tộc, 6 dân tôc còn lại tôi sẽ tiếp tục hành trình tìm hiểu trong năm nay.
Bức ảnh về cô bé Kim Luân người MNông mà theo ghi chú của Réhahn, Kim Luân là cô bé 6 tuổi, nhút nhát nhưng có thể làm bạn với chú voi to lớn. Réhahn gặp cô bé vào năm 2014. |
Anh có thống kê được mình đã chụp được bao nhiêu bức ảnh về cộng đồng các dân tộc Việt Nam?
- Ồ, không thể đếm được, có thể là hàng trăm nghìn bức rồi. Với tôi, đó là câu chuyện lớn nhất trong đời mà tôi được trải nghiệm. Được khám phá Việt Nam là di sản vô gia với tôi.
Khám phá, gặp gỡ được 54 dân tộc Việt Nam là cả hành trình dài mà tôi tin có rất nhiều khó khăn với ngay cả những người Việt Nam muốn khám phá bản sắc dân tộc mình. Anh hãy chia sẻ những điều ấy với chúng tôi?
- Khó khăn lớn nhất là việc bất đồng ngôn ngữ. Bạn biết đây, có những dân tộc thiểu số gần như không thích giao thiệp với người ngoài dân tộc mình chứ đừng nói là với người nước ngoài. Họ thậm chí chỉ nói tiếng dân tộc mình, không nói tiếng Kinh. Kỷ niệm đáng nhớ với tôi là lần đi Sa Thầy – KonTum để tìm hiểu những dân tộc ở đây. Có những khu vực, tộc người ở đây không cho người nước ngoài vào, họ rất dè chừng và cảnh giác vì sợ chúng tôi làm điều gì đó ảnh hưởng đến tâm linh của họ. Tôi mất hàng tuần ở đây để người dân cảm thấy yên tâm rồi mới bắt chuyện về đề nghị họ cho tôi được chụp ảnh.
Bức ảnh về ông Clâu , 87 tuổi người Cơ Tu. Ông là người cuối cùng có khả năng làm trang phục bằng vỏ cây với kỹ thuật được truyền từ cha của mình. |
Khó khăn thứ hai là nhiều dân tộc giờ đây không còn mặc trang phục truyền thống của họ nữa mà mặc trang phục giống người Kinh. Tôi không thể bắt họ mặc trang phục truyền thống mà phải chờ để bắt gặp khoảnh khắc ai đó còn giữ được bản sắc dân tộc của họ để chụp lại.
Đến những vùng có cộng đồng thiểu số sinh sống, anh làm cách nào để xâm nhập được vào cuộc sống của họ và chụp được những bức ảnh chân thực đến vậy?
- Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để tiếp cận với vấn đề của mình. Tôi là người thích khám phá và muốn mọi thứ đến thật tự nhiên chứ không phải là chụp giật. Khi đến gặp cộng đồng người dân tộc, không bao giờ tôi lao vào chụp ảnh ngay mà luôn có một khoảng thời gian làm quen với họ. Tôi ăn cùng họ, ngủ trong ngôi nhà của họ, ngồi đất, hút tẩu với họ. Người dân tộc rất vui khi thấy một anh Tây thích nghi nhanh với nếp sống của họ nên họ sẵn sàng cởi mở và vui vẻ khi tôi đề nghị họ cho tôi được chụp ảnh cuộc sống của mình. Có những bức ảnh tôi phải mất đến hàng tuần mới hoàn thiện được. Hay bức ảnh về bé An Phước - "Cô bé có đôi mắt màu xanh" tôi phải chụp 3 ngày mới được.Tôi gặp không ít khó khăn trên hành trình đi tìm hiểu văn hóa các dân tộc Việt Nam như đã chia sẻ ở trên nhưng bên cạnh đó tôi cũng may mắn nhận được nhiều sự giúp đỡ và hợp tác thiện chí, nhiệt tình của những người dân nơi tôi đến.
Bức ảnh bé An Phước - "Cô bé có đôi mắt màu xanh", một trong những nhân vật mà Réhahn dành nhiều thời gian để chụp. Theo câu chuyện của Réhahn, cô bé sở hữu gen từ ông cố người Pháp nên có đôi mắt kỳ lạ. |
Mỗi bức ảnh của Réhahn đều có câu chuyện riêng nên ngay trong ngày khai mạc, triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. |
Anh dự định sẽ sống bao lâu ở Việt Nam?
- Tôi đã cùng gia đình sống ở Hội An từ nhiều năm nay và đang rất gắn bó với mảnh đất nay.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Bộ sưu tập ảnh “Di sản vô giá” của nhiếp ảnh gia Pháp – Réhahn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón khách tham quan từ ngày 2-8-2017 đến hết ngày 1-10-2017, tại tầng 2 trong tòa nhà Trống đồng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Réhahn tin rằng “cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các dân tộc là thúc đẩy họ vươn ra bên ngoài, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán của cộng đồng. Đôi khi, chúng ta chỉ nhận ra những giá trị mình đang có qua cách nhìn của người khác ". Đó cũng là động lực khiến anh sáng lập nên phòng tranh “Di sản vô giá” vào ngày 1-1-2017 tại Hội An. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.