(HNM) - Nói về công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
Thực hiện chủ đề trên gắn với "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, TP Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu "đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy". Tinh thần đó đã thông suốt từ thành phố tới cơ sở, trong đó công tác dân vận của chính quyền được đổi mới theo hướng “gần dân, trọng dân, sát dân”; với mục tiêu góp phần phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Yêu cầu với người làm dân vận ngày càng cao, đòi hỏi có kỹ năng "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", nghĩa là phải hiểu rõ bản chất sự việc, nói đi đôi với làm để thực sự có tính thuyết phục. Chính sự chăm lo một cách cụ thể, chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đã góp phần giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân ngay tại cơ sở. Không ít vụ việc, "điểm nóng" đã được giải quyết qua công tác dân vận, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...
Đó là những kết quả hết sức tích cực nhưng chưa thể hài lòng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Điều đó đòi hỏi công tác dân vận, người làm công tác dân vận cùng chính quyền các cấp càng phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đặc biệt này. Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, trước tiên phải thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là công bộc của dân, bằng việc tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2019"; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hiệu quả, bứt phá. Ngoài ra, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, “dân vận khéo” để tạo đồng thuận trong nhân dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên đòi hỏi có sự phối hợp tốt giữa cơ quan dân vận và chính quyền các cấp, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Mỗi cấp, ngành phải thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Trong từng thời điểm, địa bàn, có sự tập trung xác định những nhiệm vụ chính trị khó, bức xúc để công tác dân vận có thể tham gia; nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần bắt đầu từ những bức xúc ở cơ sở có nguy cơ phát sinh thành điểm nóng... Bản thân các cán bộ, đảng viên cũng cần gương mẫu trong làm việc, sinh hoạt ở cơ quan, nơi cư trú, ngoài xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng. Đối với những cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương cần bị xử lý nghiêm để củng cố lòng tin của nhân dân.
Có thể nói, xây dựng bộ máy hành chính thật sự gần dân, của dân, do dân, vì dân chính là điều kiện tiên quyết quyết định thành công trong công tác dân vận. Trong đó, mỗi cán bộ phải nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, nói ít làm nhiều; coi công tác dân vận tại các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp là nhiệm vụ, giúp từng cán bộ, đảng viên trong bộ máy hành chính nhận thức và hiểu rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.