Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ khó, cần quyết tâm cao

Hà Hiền| 08/04/2019 06:30

(HNM) - Thành phố Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2019 cơ bản không còn gia đình nào có khả năng thoát nghèo mà phải rơi vào cảnh nghèo; đến cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo. Đây là nhiệm vụ khó, rất cần thực hiện với quyết tâm cao mới có thể hoàn thành.

Hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là giải pháp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Minh Ngọc


Về đích trước 2 năm

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên, phù hợp với nhu cầu của từng hộ, đặc thù của từng địa phương.

Ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức cho biết, thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn huyện còn 9,5% hộ nghèo, trong đó xã An Phú còn 38,4% hộ nghèo và có tên trong danh sách “xã đặc biệt khó khăn”. Nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, huyện Mỹ Đức đã triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới. Có thể kể đến như việc triển khai mô hình sản xuất hoa ly giống mới tại xã Đại Hưng; tăng vụ khoai tây trên đất hai lúa ở xã Phúc Lâm và Mỹ Thành; nuôi trồng thủy sản tại xã Hương Sơn; nuôi bò sinh sản, phát triển du lịch cộng đồng tại xã An Phú…

Đến nay, toàn huyện Mỹ Đức chỉ còn 2,84% hộ nghèo; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thông tin thêm, ông Chu Văn Thường, thôn Ái Nàng, xã An Phú chia sẻ, ngoài sự quan tâm, chăm lo thường xuyên, năm 2018, gia đình ông còn được hỗ trợ về nhà ở và đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Với cách làm tương tự, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Ba Vì cũng giảm từ 11,41% vào thời điểm đầu năm 2016, xuống còn 3,18% vào cuối năm 2018; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2018, huyện Chương Mỹ cũng giảm được gần 6.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,48%; huyện Sóc Sơn giảm được gần 3.000 hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,88%. Đáng chú ý nhất là huyện Quốc Oai khi toàn huyện còn 253 hộ nghèo, bằng 0,46% tổng số hộ trên địa bàn…

Trong giai đoạn này, thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 6.380 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo. Nhờ đó, toàn thành phố giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo của thành phố, về đích trước 2 năm kế hoạch. Nếu theo chuẩn nghèo của trung ương, thì Hà Nội chỉ còn dưới 1% hộ nghèo.

Cần có chính sách đặc thù

Có thể khẳng định, những giải pháp hỗ trợ giảm nghèo do thành phố Hà Nội triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương, hộ gia đình phát huy nội lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thoát nghèo. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn thành phố còn hơn 23.000 hộ nghèo với hơn 64.000 nhân khẩu, trong đó số hộ không có khả năng tự thoát nghèo là 15.000 hộ với 19.500 nhân khẩu.

“Những hộ gia đình không có khả năng tự thoát nghèo là do có ít nhất một thành viên đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, có người mắc bệnh hiểm nghèo, các thành viên khác không có khả năng lao động… Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù dành riêng cho nhóm đối tượng này”, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai kiến nghị.

Mô hình trồng chuối trên đất bãi ở khu vực ngoại thành Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo cho bà con nông dân. Ảnh: Minh Ngọc


Còn theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, trên địa bàn huyện hiện còn gần 1.900 hộ không có khả năng tự thoát nghèo, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi và những xã gặp khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Để hoàn thành mục tiêu, UBND huyện Ba Vì đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng tờ trình đề nghị UBND thành phố phê duyệt “Đề án thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững huyện Ba Vì giai đoạn 2018-2020”. Theo nội dung đề xuất, những hộ không có khả năng thoát nghèo cần được trợ giúp trực tiếp bằng sổ tiết kiệm để họ có khoản tiền tích lũy sử dụng lúc khó khăn. Mức hỗ trợ trung bình cho mỗi hộ khoảng 10 triệu đồng.

Trong căn nhà cấp 4 rộng khoảng 20 mét vuông, bà Chu Thị Chắc (sinh năm 1934), ở thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) bộc bạch: “Tôi có một con gái đã lấy chồng, kinh tế khó khăn, hầu như không giúp được mẹ. Bản thân tôi già yếu, lại bị khuyết tật vận động, nên mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào các khoản trợ cấp. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội để có cơ hội thoát nghèo”. Cũng ở xã Thái Hòa, ngày qua ngày, bà Phùng Thị Nghĩa, Hoàng Thị Sang (thôn Cộng Hòa), Phùng Thị Kính (thôn Thuận An)… sống một mình trong căn nhà nhỏ, cần được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần.

Chia sẻ kinh nghiệm xóa nghèo, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, trong năm 2018, quận Ba Đình đã vận động xã hội hóa được gần 5 tỷ đồng để hỗ trợ hằng tháng cho người già yếu cô đơn và những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm nâng mức thu nhập của các hộ, vượt lên mức chuẩn nghèo. Hiện tại, nguồn vận động xã hội hóa ở quận Ba Đình kết dư gần 10 tỷ đồng, bảo đảm cho việc hỗ trợ thoát nghèo bền vững trong một vài năm tới.

Về vấn đề này, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở vừa đề xuất với UBND thành phố một số giải pháp giảm nghèo bền vững. Theo đó, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc các bệnh hiểm nghèo là thành viên gia đình không có người có khả năng lao động được đề xuất hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, tại thời điểm này là 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa được đưa vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Cùng với đó, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, thông qua đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… Dự kiến, kinh phí để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững khoảng 345 tỷ đồng/năm, tăng hơn 140 tỷ đồng so với các chính sách đang triển khai.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, để đạt mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, ngoài việc áp dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù đối với nhóm đối tượng đặc thù, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng với quyết tâm cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ khó, cần quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.