Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Thế Đan| 06/02/2023 07:01

(HNM) - Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Bộ Chính trị (khóa XIII) nêu trong Kết luận số 48-KL/TƯ ngày 30-1-2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Bộ Chính trị cũng coi kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu.

Trong Kết luận số 48-KL/TƯ, Bộ Chính trị đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030, toàn quốc hoàn thành sáp nhập huyện, xã còn lại có diện tích và dân số dưới chuẩn; huyện có diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định. Việc sắp xếp huyện, xã phải phù hợp quy hoạch tỉnh, nông thôn, đô thị; xác định rõ lộ trình, bảo đảm đồng thuận của nhân dân.

Các địa phương được khuyến khích chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp thực tiễn, kể cả những nơi đã bảo đảm tiêu chuẩn…

Căn cứ sắp xếp dựa vào Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là có 80.000 người và diện tích 850km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450km2, dân số 120.000 người trở lên. Quy mô dân số của xã 5.000-8.000 người, diện tích từ 30km2 trở lên…

Qua thực tế sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 cho thấy, cả nước đã giảm hơn 3.400 cơ quan ở cấp xã, gần 430 cơ quan cấp huyện và số tiền tiết kiệm chi là hơn 2.000 tỷ đồng. Toàn quốc có khoảng 10.400 cán bộ cấp huyện, xã dôi dư sau sáp nhập. Bộ máy cơ quan nhà nước của đơn vị hành chính mới hình thành đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…

Những con số “biết nói” trên cho thấy chủ trương từ Kết luận số 48-KL/TƯ là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới của đất nước, nhất là khi việc quản lý hành chính hiện tại đã thuận tiện hơn nhiều do đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là cần đưa quyết tâm chính trị nói trên trở thành hành động.

Muốn làm tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra thì theo thẩm quyền, trách nhiệm, các cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh cần sớm thể chế hóa quyết tâm của Bộ Chính trị thành những kế hoạch, đề án, hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Trong đó phải tập trung ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện đạt kết quả tốt. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao. Tinh gọn bộ máy cũng cần đi đôi với tiết giảm thủ tục hành chính để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Cùng với đó, các cơ quan trung ương cũng cần sớm xem xét tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13, bởi trên cơ sở sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Đặc biệt là tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Hà Nội và các đô thị lớn được cho là quá cao. Trong quá trình sắp xếp cũng cần tính đến yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương để việc sắp xếp không là “phép cộng” cơ học.

Làm tốt việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ góp phần xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ chính trị quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.