Góc nhìn

Nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

Bắc Vũ 01/07/2023 - 06:20

Những năm gần đây, thiên tai thường diễn biến bất thường, không theo quy luật, đã gây thiệt hại không nhỏ cả về người và tài sản cho nhân dân.

Có thể thấy, ngay từ đầu mùa hè đến nay, các tỉnh miền Bắc đã chịu tác động bởi nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm; trong đó nhiều kỷ lục nhiệt độ ở các địa phương đã bị phá vỡ.

Điều đáng nói, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hiện tượng La Nina sẽ tái xuất trong năm nay và sẽ duy trì đến hết mùa xuân năm 2024. Vì thế, nắng nóng năm nay cao hơn năm 2022, tính cả về số đợt, nền nhiệt và mức độ gay gắt. Cùng với đó, năm nay sẽ có khoảng 5-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta và tập trung vào thời gian từ nay đến cuối năm.

Trước tình hình ngày càng phức tạp và khó lường của thiên tai, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư đã chủ động nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định như công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai. Đáng nói, ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chưa kể, vẫn còn sự chủ quan, bất cẩn dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ…

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ, ngành, địa phương và mỗi cộng đồng người dân phải chủ động từ sớm, từ xa các giải pháp phòng, chống thiên tai, nhất là ứng phó các hiện tượng thời tiết mưa, bão, lũ lụt, nắng nóng… Trong đó, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phải luôn xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Do đó, trước hết là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng… Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai…

Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ của các đơn vị, địa phương; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác là chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cứu hộ, cứu nạn, trong đó, xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là cần tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai; đầu tư hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Các địa phương cần quan tâm lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ vận hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa, hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa, trọng điểm đê điều, tàu thuyền hoạt động trên biển. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó thiên tai; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.