(HNM) - Đến bệnh viện (BV) để chữa bệnh, nhưng không ít bệnh nhân lại bị nhiễm khuẩn (NK) BV khiến thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cũng tăng cao. Tại Việt Nam, cứ 100 người nhập viện thì có từ 5-8 người bị NKBV.
Đi chữa bệnh, mắc thêm bệnh
Theo Bộ Y tế, NKBV là nhiễm trùng người bệnh mắc phải trong thời gian nằm viện mà nhiễm trùng đó không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. NKBV thường do vi khuẩn gây nên và thường xuất hiện sau 48 giờ nhập viện.
Nguy cơ nhiễm khuẩn từ chính môi trường bệnh viện. |
Nhập viện phẫu thuật khối u sọ não nhưng vì NKBV bà Nguyễn Thị H., 54 tuổi ở Bắc Ninh đã phải tốn thêm gần 80 triệu tiền kháng sinh trong vòng chưa đầy 2 tuần nằm điều trị tại BV Việt - Đức. Trong khi đó, với một ca mổ như vậy, thông thường chi phí chỉ vào khoảng 5-10 triệu đồng. Bác sĩ Hoàng Giang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Việt - Đức cho biết, tỷ lệ NKBV ở BV ngoại khoa như Việt - Đức vào khoảng 7-8%, nhưng đây là tỷ lệ "chấp nhận được" theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, với số lượng cả trăm bệnh nhân được phẫu thuật mỗi ngày nên số lượng bệnh nhân bị NK không nhỏ. Theo bác sĩ Hoàng Giang, NK sau mổ dẫn tới chi phí điều trị cao gấp từ 3-10 lần đợt điều trị thông thường. Ngoài ra, thời gian nằm viện cũng kéo dài hàng chục ngày, không những thế còn làm tăng nguy cơ tử vong của các bệnh nhân nặng. Nếu bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch lại phải đối mặt với nguy cơ kháng kháng sinh gấp nhiều lần do việc phải dùng kháng sinh liều cao.
Theo GS.TS Trần Quỵ, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, tỷ lệ NKBV chung ở Việt Nam từ 5% đến 8%. Đây là căn nguyên dẫn đến thời gian điều trị dài hơn, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, chi phí y tế tăng và tỷ lệ tử vong tăng. Có 4 nhóm bệnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của NKBV là bệnh nhân thở máy dễ nhiễm khuẩn phổi, NK đường tiết niệu do vệ sinh ống xông không tốt, NK huyết do tiêm truyền và nhiễm trùng vết mổ do vô trùng không tốt. Tại các khoa chăm sóc đặc biệt hay hồi sức cấp cứu bệnh nhân cũng dễ bị NKBV do sức đề kháng yếu.
Nghiên cứu trên 477 bệnh nhân của BV Bạch Mai (Hà Nội) mới đây cho thấy, ở nhóm bệnh nhân NK phổi tại BV, số ngày nằm viện trung bình từ 18 đến 28 ngày, nhiều hơn nhóm bệnh nhân không mắc 13 ngày. Cùng với đó, tỷ lệ tử vong ở nhóm này cũng vọt lên 55,6%, trong khi ở nhóm không có NKBV chỉ trên 20%. Đặc biệt, chi phí điều trị trực tiếp ở nhóm bệnh nhân có NK phổi là 57-79 triệu đồng, cao 2- 3 lần so với nhóm BN không mắc.
Rửa tay, sao khó thế?
Theo GS.TS Trần Quỵ, việc các bác sĩ lạm dụng kháng sinh trong điều trị cũng gây ra NKBV. Kháng sinh dự phòng sử dụng trước khi phẫu thuật chỉ nên dùng duy nhất một lần chứ không nên dùng lại nhiều lần như ở một số bệnh viện. Năm thời điểm cần rửa tay: Trước khi tiếp xúc với bệnh nhân; trước khi làm thủ thuật vô trùng; sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân; sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với các vật dụng xung quanh bệnh nhân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.