Trong khi chờ đợi xem có trường hợp nào bị “nhiễm độc thủy ngân”, thì cả xã hội đã được chứng kiến tình trạng “nhiễm độc thông tin”...
Vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) có phải là một “thảm họa” môi trường? Mức độ rò rỉ của thủy ngân (nếu có) ra ngoài môi trường tự nhiên thực sự là bao nhiêu, khi mà các kết quả đo đạc, các phát ngôn và thông tin khác nhau đến như vậy?
Những người trong cuộc đang phải xử lý hậu quả của đám cháy, hay đang xử lý cuộc tranh luận trên các diễn đàn, trên cả các phương tiện thông tin đại chúng lẫn dư luận (mạng) xã hội? Người dân sống xung quanh Công ty Rạng Đông được hưởng lợi gì từ những cuộc tranh luận này, khi mà tình hình sau vụ cháy có vẻ còn “nóng” hơn cả bản thân đám cháy đó? Hình ảnh một vài quan chức, chuyên gia với mặt nạ phòng độc xuất hiện tại hiện trường tiếp tục châm ngòi cho các cuộc tranh cãi về mức độ nhiễm độc sau đám cháy…
Lướt qua mạng xã hội, điểm qua ý kiến của các “dư luận viên” (KOL) có sức hút lớn (trong đó có không ít nhà báo), chúng ta có thể thấy nhiều lời “kêu cứu”, “buộc tội” đanh thép. Có ý kiến đề nghị phải có một “ủy ban cấp quốc gia” để xử lý “thảm họa môi trường” này. Có ý kiến ví von sự cố này với sự cố môi trường biển do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Cá biệt, có ý kiến nâng tầm câu chuyện lên ngang với thảm họa hạt nhân Tchernobyl ở Ukraine, cho rằng câu chuyện Rạng Đông và Tchernobyl giống nhau ở sự “gian dối” của nhà chức trách khi xử lý thảm họa… Lác đác có báo đưa quan điểm cần phải di dời dân xung quanh khu vực đám cháy, rồi thì biến địa điểm hiện tại của Công ty Rạng Đông thành công viên…
Đã “cháy nhà” thì phải ra “thủ phạm”. Báo chí, truyền thông xã hội tiếp tục lao vào tìm kiếm “tội đồ” của một vụ việc đã bị chính truyền thông đẩy đi quá xa. Những nạn nhân thực sự của đám cháy (trong đó có cả Công ty Rạng Đông) tiếp tục "được" trở thành “nạn nhân” trong các cuộc khẩu chiến trên báo, trên mạng. Ai đó đã nhân danh họ để dấy lên một cuộc đối đầu giữa một bên là “công luận mạng”, một bên là chính quyền.
Với trình độ phát triển hiện nay của xã hội chúng ta, đúng là khó có thể tìm thấy một kịch bản ứng phó hoàn hảo trước nhiều sự cố, cho dù là thiên tai hay nhân tai… Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí của người trong cuộc ( có thể là bản thân Công ty Rạng Đông, hoặc là chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội, hoặc là Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoặc là người dân sống quanh khu vực có đám cháy), liệu có thể “bình tĩnh đối phó” được không, khi mà các “cao thủ” về chữ nghĩa trên báo, trên mạng xã hội đang đẩy các bên vào một cơn khủng hoảng truyền thông như vậy? Liệu có thể tránh đưa ra một vài phát ngôn mang màu sắc dân túy, xoa dịu cơn giận nhất thời, hứa hẹn này nọ được không, khi mà truyền thông đang tìm một cá nhân, hay một tổ chức nào đó, để trút cơn “bức xúc” của mình?
Một vài phát biểu hoang mang, một vài số liệu hoặc văn bản ban hành vội vã để thỏa mãn “cơn khát” của truyền thông sau đó đã được chỉnh sửa, được thu hồi, được “diễn đạt lại”, để rồi một lần nữa lại bị truyền thông “mắng” xối xả về sự “vô cảm, thiếu chuyên nghiệp, khuất tất…”. Trong khi chờ đợi những trường hợp “nhiễm độc thủy ngân” được phát hiện, cả xã hội đã được chứng kiến tình trạng “nhiễm độc thông tin”.
Nếu như nhiều người dân sống xung quanh Công ty Rạng Đông hy vọng rằng vài cơn mưa to mấy hôm nay ở Thủ đô sẽ cuốn bớt đám thủy ngân nào đó ra sông… Tô Lịch, thì chúng ta, những người hằng ngày đọc báo, lên mạng, cũng chỉ còn biết trông chờ vào một sự kiện nào đó, một câu chuyện mới nào đó đủ sức kéo "cơn thịnh nộ" của mạng xã hội sang một "mục tiêu" khác.
Làm báo thời buổi mạng xã hội bùng nổ như hiện nay có một thực tế là nhiều khi phóng viên, nhà báo chẳng phải đi tìm thông tin đâu xa, chỉ cần mở mạng ra để thấy đâu là những vấn đề, câu chuyện nóng đang được (mạng) xã hội quan tâm, xem các bên đang tranh cãi như thế nào, và rồi quyết định cũng viết về câu chuyện đó. Công việc đơn giản chỉ là mang các ý kiến, thông tin (hoặc những thứ gần giống như thông tin) trên đó ra, lắp ghép, xào xáo theo một trật tự, một định kiến nào đó (tán thành, phản đối, lên án, quan ngại...). Thế là có một “sản phẩm báo chí” đủ để “theo trend”, đủ để “cày view”, cho đến khi có một câu chuyện mới, “hot” hơn xuất hiện. Và cái chu kỳ đó lại được lặp lại…
Nguy cơ đối với người làm báo, và cũng là nguy cơ đối với người đọc, đó là khi người làm báo không còn đi tìm sự thật, mà chỉ đi tìm những mảnh ghép của sự việc, những thứ gần giống với sự thật, để dọn ra một “mâm cơm thông tin” nhằm chứng minh cái định kiến của mình là đúng. Mà định kiến thì vô cùng sẵn có mọi lúc, mọi nơi, miễn là có smartphone kết nối internet. Việc còn lại chỉ là chọn cho mình một “chủ kiến” nào đó hợp với số đông, tức là một dạng quan điểm hay cảm xúc khiến cho người viết cảm thấy “an toàn”, khi thấy mình vừa có quyền “bức xúc”, lại vừa “vô can”.
Đến đây, tôi chợt liên tưởng đến một diễn biến khác có vẻ chẳng mấy liên quan: Chính phủ Mỹ và chính phủ Nga mới đây đã yêu cầu các mạng xã hội không được làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử chính trị ở các nước này. Facebook cũng vừa thông báo sẽ cấm các quảng cáo chứa nội dung chính trị tại Thái Lan trong thời gian bầu cử sắp tới ở đây. Các quy định về cấm quảng cáo chính trị trên mạng xã hội cũng đang được nhiều nước khác xem xét áp dụng.
Rõ ràng, nhiều quốc gia trên thế giới đã hiểu rằng, các nền tảng truyền thông xã hội không hề là “con rối vô tư” trong các cuộc giật dây, điều hướng dư luận. Thậm chí, nếu không kiểm soát kỹ, nó có thể còn trở thành một “nguy cơ hiện hữu” của nền dân chủ.
Trong khi đó, ở một không gian khác, có những người vẫn đang mơ về một xã hội “minh bạch, trong suốt” chỉ nhờ vào mạng xã hội, nơi mà “số đông bức xúc” có thể vừa là chuyên gia, vừa là quan tòa, vừa là đao phủ. Và điều “tuyệt vời” nhất, đó là không ai phải chịu trách nhiệm gì. Chỉ khổ người dân, khi còn chưa biết có nhiễm độc thủy ngân hay không đã bị ngộ độc thông tin…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.